Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó do ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể ảnh hưởng tới việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. |
Đó là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại phiên thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Điều chỉnh hay không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2020?
Tháng 11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ước tăng trưởng 7%, được nhấn mạnh nhiều lần là thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, Quốc hội quyết định chỉ tiêu GDP cho năm 2020 tăng khoảng 6,8%, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 3,8%, bội chi ngân sách nhà nước 234.800 tỷ đồng (tương đương 3,44% GDP), tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488.921,352 tỷ đồng.
Những chỉ tiêu này không chỉ được xây dựng trên kết quả thực hiện của năm 2019, mà còn trên cơ sở dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 sẽ có nhiều biến động khó lường.
Sự khó lường khi đó cũng được nhắc đến khá nhiều trong các phiên thảo luận của Quốc hội, là biến đổi khí hậu khiến... hoa sữa nở vào tháng 5, là căng thẳng trên biển Đông, là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc... Nhưng, khiến cho cả thế giới chao đảo như đại dịch Covid-19 trong đầu năm 2020 thì không ai có thể lường được.
Báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên thẩm tra không nêu một thông tin định lượng nào về thiệt hại tổng thể của nền kinh tế do Covid-19, nhưng khó khăn thì tràn ngập từ sản xuất, kinh doanh, đến ngân sách, lao động, việc làm...
Một yếu tố luôn được tham khảo khi tính toán tăng trưởng là dự báo của các tổ chức quốc tế. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức -3% và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm 13 - 32% trong năm 2020. Dòng vốn FDI toàn cầu được dự báo sụt giảm 30 - 40% trong giai đoạn 2020 - 2021.
Với diễn biến mới như vậy, Việt Nam có nên tiếp tục giữ những chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định từ cuối năm trước hay không là câu hỏi không chỉ một đại biểu đặt ra tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bởi, báo cáo của Chính phủ không đưa ra nhận định nào về khả năng hoàn thành hay không hoàn thành các chỉ tiêu này, cũng không đề nghị điều chỉnh.
Cùng thời điểm đó, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2020. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ xem xét việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 nếu thấy cần thiết. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%.
Nới “room” để điều hành linh hoạt
Nhắc lại dự kiến của Bộ Tài chính với phương án tích cực nhất (dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: số thu giảm lớn như vậy thì phải báo cáo Quốc hội xem giảm chi thế nào. “Trong một gia đình cũng vậy, nếu thu nhập giảm, tiền ít, thì phải cắt giảm không đi chơi, đi hát karaoke nữa”, ông Thanh ví von.
Cũng lo dư địa điều hành chính sách tài khóa sẽ hẹp hơn khi ngân sách khó khăn, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, nếu không có kịch bản ứng với diễn biến của Covid-19, thì sẽ rất khó xoay xở. “Giả sử, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mà vẫn chưa đủ, sau đó muốn tăng thêm, thì lại đề nghị Quốc hội họp để quyết?”, ông Sinh nêu vấn đề.
Từ phân tích này, ông Sinh nhắc lại quan điểm (đã từng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư từ đầu tháng 3/2020) là Chính phủ cần xây dựng kịch bản tương ứng với các dự báo tiến độ dập dịch, mỗi kịch bản đó kèm theo toàn bộ chỉ tiêu và những kiến nghị cụ thể. Sau khi Quốc hội quyết định, thì cứ theo kịch bản đó mà điều hành.
Với dự báo tăng trưởng sẽ thấp hơn, bội chi cao hơn khi có thể phải chi đến trên 2% GDP cho các khoản chi tiêu phát sinh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng hiến kế Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội ngay tại kỳ họp gần nhất về việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Ông Lực cũng khuyến nghị, về trần nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, nên đề xuất Quốc hội cho một “room” để có dư địa điều chỉnh, chứ không nên cố định một con số.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, sau kỳ họp diễn ra vào tháng 5 - tháng 6 tới đây, đến cuối tháng 10/2020, Quốc hội mới họp kỳ tiếp theo. “Vì thế, đặt vấn đề nếu không điều chỉnh chỉ tiêu, thì phải có kịch bản điều hành theo mức độ của Covid-19 chính là tạo điều kiện cho Chính phủ có thể điều hành linh hoạt”, ông Thanh nhấn mạnh.
Như vậy, để nới “room” điều hành cho Chính phủ, để các vị bộ trưởng có thể “năng động trong môi trường năng động”, như cách nói của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các vị đại biểu Quốc hội sẽ phải “đau đầu” trước khi bấm nút thông qua việc điều chỉnh những chỉ tiêu quan trọng nhất của nền kinh tế. Đó chắc chắn không phải là việc dễ dàng và việc nhiều đại biểu lên tiếng “đòi” thông tin đầy đủ hơn từ cơ quan điều hành cũng là điều dễ hiểu.
Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.