Việt Nam là một trong 12 nước tham gia đàm phán TPP. Ảnh: Bloomberg |
Sau 6 tuần tranh luận căng thẳng tại Quốc hội Mỹ với nhiều lần gặp bế tắc, TPA cũng đã được Thượng viện chấp thuận với tỷ lệ 60 phiếu thuận - 38 phiếu chống. Tuần trước, TPA đã được thông qua tại Hạ viện. Quy chế này sẽ được trình lên Tổng thống Obama ký duyệt trong cùng ngày.
TPA có thể giúp tăng tốc hoàn thành đàm phán TPP - trọng tâm trong chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ. Nó cũng củng cố hy vọng Mỹ có thể hoàn thành một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng với Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, nhiều công đoàn và các nghị sĩ quốc hội Đảng Dân chủ vẫn phản đối TPP. Họ cho rằng hiệp định thương mại này sẽ khiến các công ty lớn chuyển sản xuất sang các nước có chi phí thấp. Việc này sẽ khiến người Mỹ mất việc làm và tiếp tay cho các quốc gia vốn đã ô nhiễm và đối xử bất công với người lao động. Đáp lại, Tổng thống Obama và các lãnh đạo đảng Cộng hòa chỉ cho biết TPP sẽ giúp hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường lớn hơn.
TPP sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua của Mỹ, tương tự Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico trước đây. TPP cũng được coi là đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng gần đây của Trung Quốc.
Dù vậy, để hoàn thành TPP, bộ trưởng các nước tham gia sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp nữa, từ độc quyền cho đến cách giải quyết các doanh nghiệp nhà nước. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Các nhà đàm phán hy vọng việc đàm phán sẽ hoàn thành trong vài tuần tới.
Nhiều công ty đa quốc gia lớn, như Caterpillar, Intel, IBM hay Metlife cũng bày tỏ sự ủng hộ với quyết định thông qua của Thượng viện. "Chúng tôi lạc quan rằng TPA sẽ làm nền tảng cho nhiều thỏa thuận mở cửa thị trường hơn nữa, trong đó có TPP", Doug Oberhelman - CEO Caterpillar cho biết.