Thời sự
Quốc hội nhất trí thu cổ tức doanh nghiệp nhà nước
Thùy Liên - 12/11/2013 11:15
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 được Quốc hội thông qua sáng nay (12/11) nhất trí tăng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3%, đồng thời đồng ý thu cổ tức từ DNNN để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển. >>> Đặt mục tiêu CPI năm 2014 tối đa là 7% >>> SCIC được bán vốn dưới mệnh giá >>> Vinamilk lãi lớn, SCIC hưởng cổ tức ngàn tỷ

Với đa số phiếu tán thành, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 đã được Quốc hội thông qua sáng nay. Theo đó, mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Nghị quyết ghi rõ, bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ.

Quốc hội cũng giao Chính phủ triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công…

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ hực hiện thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Chính phủ hướng dẫn cơ chế thu, phân bổ và quản lý sử dụng có hiệu quả. Đồng thời, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thu vào ngân sách nhà nước cổ tức của Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần của Nhà nước để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Một số quyết nghị quan trọng khác cũng được Nghị quyết đưa ra.

Thứ nhất, Chính phủ cũng phải trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật: Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật đầu tư công. Đồng thời, chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường; rà soát lại chính sách thu ngân sách nhà nước, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế đã cam kết theo các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế; giảm nợ đọng thuế.

Thứ hai, phải thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2014. Số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, trong năm 2014, tiếp tục thực hiện miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội.

Thứ tư, đánh giá chính xác, tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ công, trả nợ đúng cam kết, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách nhà nước còn nợ.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (2011 - 2013).

Tin liên quan
Tin khác