Họp trực tuyến - nét mới trong hoạt động của Quốc hội. |
Chiều 16/4/2020, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thông tin trên trang cá nhân: Lần đầu tiên, một ủy ban của Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến. Đó là phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật để thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Bà Khánh tham gia, phát biểu qua đầu cầu tại phòng làm việc.
Một phiên họp trực tuyến đã trở thành "sự kiện" dưới góc nhìn của đại biểu như vậy là bởi hai chữ "đầu tiên". Sự kiện đó được đại biểu Khánh gọi là tin vui, vì dù thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, nhưng hoạt động của các cơ quan của Quốc hội cũng không ngừng trệ.
Cuối tháng 5 tới, rất có thể, Quốc hội cũng sẽ lần đầu tiên họp trực tuyến trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 9. Nếu Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội khoảng trên dưới 1 tháng theo thông lệ, thì hàng trăm đại biểu từ 62 tỉnh, thành phố sẽ về Thủ đô.
Từ khâu đi lại cho đến ăn ở, đưa đón hàng ngày đến nơi họp, phục vụ các phiên thảo luận tổ và hội trường... đều tăng độ tốn kém về chi phí cũng như nguy cơ về sức khoẻ khi Covid-19 diễn biến khó đoán định, trong khi số người tập trung cùng lúc vượt xa con số 500.
Nhưng, dù Quốc hội họp trực tuyến hay trực tiếp, thì tất cả nội dung cũng đều phải được chuẩn bị kỹ, từ mỗi đại biểu và các cơ quan của Quốc hội.
Bên cạnh hoạt động lập pháp, mỗi kỳ họp Quốc hội còn thảo luận, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng khác về kinh tế, xã hội, ngân sách, đôi khi còn làm nhân sự đột xuất. Cũng rất quan trọng tại mỗi kỳ họp là hoạt động giám sát, bao gồm giám sát tối cao một chuyên đề và chất vấn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội còn cần xem xét, quyết định một số vấn đề cấp thiết, như Hiệp định EVFTA, một số chính sách, giải pháp liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh…
Quốc hội có đến 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, nhiều đại biểu địa phương vừa lo chỉ đạo chống dịch, vừa lo chỉ đạo sản xuất, đại biểu - doanh nhân thì bươn chải chống đỡ, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn... Chính vì vậy, việc tiếp thu, chỉnh lý thẩm tra, các dự án luật, thẩm tra các vấn đề Chính phủ trình, giám sát... đương nhiên sẽ dồn lên vai các đại biểu chuyên trách. Những công việc đó, thời chưa có dịch vốn chẳng được coi là dễ dàng, những ngày qua lại càng khó khăn hơn.
Thay vì tập trung tại Nhà Quốc hội cùng tranh luận về các dự án luật mà Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp 9, các đại biểu chuyên trách sẽ tự ôm máy tính, nhận tài liệu, gửi góp ý qua e-mail.
Những ngày tháng Tư này, nhiều ủy ban khác của Quốc hội cũng đang tiến hành thẩm tra các nội dung được phân công, Ủy ban Kinh tế đặc biệt quan tâm đến "tiếng kêu" của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nên cũng hối hả thành động theo thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng quyết định họp phiên bất thường ngày 8/4 xem xét đề xuất gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid - 19. Ngày 20/4 tới, phiên họp thứ 44 vẫn phải diễn ra, dự kiến kéo dài cả tuần. Trung tâm báo chí được chuyển từ tầng B1 của Nhà Quốc hội sang 22 - Hùng Vương, thực hiện giãn cách chống dịch.
Sáng 17/4, qua điện thoại, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết đang họp Thường trực Ủy ban. Tới đây, nếu Quốc hội họp trực tuyến, thì đại biểu vẫn chuẩn bị để thảo luận, tranh luận như bình thường. Thậm chí, ngoài giờ họp, đại biểu kiêm nhiệm còn tranh thủ giải quyết công việc của mình tốt hơn.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dù họp trực tuyến thì ngoài những vấn đề kinh tế - xã hội, ông cũng vẫn tiếp tục góp ý về các luật liên quan đến môi trường đầu tư. “Phải chuẩn bị cho nền kinh tế phục hồi sau dịch chứ”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi trả lời về khả năng chống chọi của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc từ bên ngoài từng nhấn mạnh "thể chế, thể chế và thể chế".
Sau cú "trời giáng" từ Covid-19, khả năng chống chịu của nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam chắc chắn càng đáng lo hơn. Bởi vậy, trong lúc các đại biểu kiêm nhiệm lo hỗ trợ cho người bán vé số, lái xe ôm... vượt qua dịch giã, thì các đại biểu chuyên trách chuyên tâm nghiên cứu, góp ý hoàn thiện Luật PPP thế nào để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm góp vốn, hay có đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh hay không... cũng là việc chẳng kém phần quan trọng.
Dù ở cương vị nào, theo Hiến định, đại biểu Quốc hội vẫn là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thời điểm đặc biệt này - thời Covid-19, nắm bắt trúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã quan trọng, nhưng thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực trong Quốc hội thế nào để góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn có một không hai này, lại càng quan trọng hơn với mỗi đại biểu.