Thời sự
Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới
Nguyễn Lê - 23/07/2021 09:21
Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được 100% đại biểu có mặt thông qua đầu phiên họp sáng 23/7.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 23/7, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được 100% đại biểu có mặt thông qua.

Nghị quyết nêu rõ, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Các Bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ;  Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, cuối giờ sáng 22/7 các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tại đây, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí cao với phương án giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, đồng thời cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, toàn diện về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIV.

Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là cơ sở để giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ khóa XV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”.

Một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm xây dựng lộ trình cụ thể để tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội.

Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin - cho", tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho các cấp, các ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Một số vị đại biểu đề nghị Chính phủ khóa XV cần tiếp tục rà soát về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, sửa đổi kịp thời các quy định nhằm tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành, địa phương; rà soát các nội dung giao thoa giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, bảo đảm nguyên tắc một việc một đầu mối; đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đối với tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan cụ thể, một số ý kiến đề nghị việc phân cấp quản lý nguồn lực ODA cần tập trung về một đầu mối là Bộ Tài chính.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu đổi tên Ủy ban Dân tộc thành Bộ Dân tộc để bảo đảm tương đồng như các Bộ về quản lý nhà nước, đổi tên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bao hàm được nội dung quản lý nhà nước về thủy sản, hải sản. Đổi tên Thanh tra Chính phủ thành Thanh tra Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương vì các cơ quan này cần phải độc lập với Chính phủ.

Cũng có ý kiến đề nghị nên có Bộ tập trung quản lý về biển, Bộ để quản lý vấn đề ảnh hưởng của khí hậu; đề nghị đưa Ban Tôn giáo về Ủy ban Dân tộc để thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời, xác định rõ mối quan hệ của cơ quan này với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quản lý về nhà ở, xây dựng và đô thị vào chức năng của Bộ Xây dựng; nội dung kinh tế số vào chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có vị đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quản lý nhà nước hiệu quả hơn đối với các lĩnh vực như thanh niên, việc làm, đào tạo...; xem xét, xác định địa vị pháp lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tin liên quan
Tin khác