Thời sự
Quốc hội xem xét ba nội dung về nhân sự tại kỳ họp bất thường lần thứ hai
Nguyễn Lê - 03/01/2023 16:17
Công tác nhân sự sẽ gói gọn trong ngày thứ Năm (ngày 5/1) từ cuối buổi sáng cho đến hết buổi chiều cùng ngày.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời câu hỏi của báo chí.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết thông tin trên tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV, chiều 3/1.

Câu hỏi từ báo chí là Trung ương Đảng vừa qua quyết định cho các Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng và giới thiệu nhân sự thay thế chức vụ Phó thủ tướng.

Vậy tại kỳ họp bất thường, Quốc hội có làm thủ tục miễn nhiệm 2 ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm 2 nhân sự thay thế hay không? Hai nhân sự thay thế chức vụ Phó thủ tướng được giới thiệu là ai?

“Tổng thư ký Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu có suy nghĩ như thế nào khi chỉ trong thời gian ngắn (3 tháng), Quốc hội phải làm quy trình nhân sự để thay thế 4 thành viên Chính phủ (Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông -Vận tải và sắp tới là nhân sự 2 Phó thủ tướng)? Cảm xúc của ông, bà như thế nào mỗi khi bỏ phiếu để thực hiện quy trình các nhân sự này?” cũng là câu hỏi khác từ báo chí. 

Trả lời, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu không đề cập đến bất cứ nhân sự cụ thể nào, bà khẳng định nhân sự luôn là nội dung quan trọng của các kỳ họp.

"Trong dự kiến chương trình kỳ họp, có dự kiến về công tác nhân sự, trong đó có một số nội dung báo chí đã tiếp cận, đã biết thông qua các quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhân sự cấp cao của Quốc hội, liên quan đến trách nhiệm đại biểu của một số nhân sự", bà Thanh nói.

Vẫn theo bà Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tập hợp những ý kiến  của các cơ quan có liên quan, thực hiện theo đúng Luật Tổ chức Quốc hội và nội quy kỳ họp, chính thức cuối giờ chiều mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới họp phiên toàn thể để trình Quốc hội về vấn đề nhân sự liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó có việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu; phê chuẩn miễn nhiệm đề nghị của Thủ tướng đối với một số nhân sự và phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới.

"Quyết định chính thức thì chiều ngày mai, đại biểu tại phiên trù bị mới biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. Nội dung nào được đưa vào chương trình kỳ họp thì chiều ngày mai mới chốt cuối cùng", bà Thanh hồi âm.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu, công tác nhân sự cũng là công việc thường xuyên, cần phải dần làm quen với việc lựa chọn nhân sự để bố trí, hoặc kịp thời thay thế các vị trí.

"Phát hiện nhân tài, bố trí sử dụng cán bộ để đảm bảo gánh vác công việc chung của đất nước, thay thế kịp thời đối với nhân sự không đảm bảo cũng là việc thường xuyên của Đảng. Nghị quyết 28 mới ban hành, cũng nêu rõ công tác cán bộ kiên trì chủ trương có lên có xuống, có vào có ra, phát hiện bố trí cán bộ có đức có tài, dám nghĩ, dám làm, bảo vệ khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, nhưng sẵn sàng xem xét, kỷ luật, thay thế cán bộ không đảm bảo.

Kết luận 20 cũng khuyến khích cán bộ thấy rằng nếu mình không đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tinh thần nêu gương, thấy mình không đủ điều kiện từ sức khỏe đến lý do khác, mà thấy rằng không thực hiện được nhiệm vụ một cách xuất sắc thì khuyến khích làm đơn xin thôi giữ các trọng trách, nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ của đại biểu", bà Thanh nói thêm.

Công tác nhân sự sẽ gói gọn trong ngày thứ Năm (ngày 5/1) từ cuối buổi sáng cho đến hết buổi chiều là sẽ kết thúc, bà Thanh cho biết.

Tại cuộc họp báo Phó tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, Quốc hội sẽ họp tập trung trong 4 ngày (từ 5-9/1, nghỉ ngày 7/1).

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Tin liên quan
Tin khác