Thời sự
Quốc hội xem xét giải pháp đặc biệt cho ngân hàng yếu kém
Hà Tâm - 26/10/2017 07:54
Theo kế hoạch, sáng nay (26/10), Quốc hội sẽ lấy ý kiến về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là nên hay không nên áp dụng giải pháp chuyển giao bắt buộc với ngân hàng yếu kém.
TIN LIÊN QUAN

Đừng luyến tiếc “ngân hàng độc hại”

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cho thấy, sau 2 năm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại, thực trạng tài chính của 3 ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm.

Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra băn khoăn với giải pháp chuyển giao bắt buộc được đưa ra trong Dự thảo. Theo đó, nếu các ngân hàng quá yếu kém, đã áp dụng nhiều biện pháp (tài chính, nhân sự, cơ chế) để hỗ trợ mà vẫn không thể vực lên được, thì việc chuyển giao bắt buộc cũng không thể giải quyết được vấn đề. Chưa kể, chi phí để vực dậy ngân hàng sau khi chuyển giao bắt buộc là rất lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra băn khoăn với giải pháp mua lại bắt buộc được đưa ra trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Chuyển giao bắt buộc và mua ngân hàng 0 đồng là giống nhau, chỉ khác nhau về mặt câu từ. Hơn nữa, căn cứ pháp lý của cả 2 giải pháp này đều rất yếu. Tôi cho rằng, với các ngân hàng quá yếu, dù áp dụng mọi biện pháp vẫn không thể cứu chữa được nữa thì nên cho phá sản, thay vì tiếp tục ‘hà hơi thổi ngạt’. Luật Phá sản đã có một chương về phá sản ngân hàng, nhưng chúng ta vẫn chưa dám dũng cảm thực hiện”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico kiến nghị.

Trên thực tế, dù chuyển giao bắt buộc hay mua 0 đồng, ngân sách đương nhiên sẽ phải chịu một phần tổn thất, bởi chắc chắn không có nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền để nhận về một ngân hàng âm vốn nặng nề, nợ xấu cao.

Dẫu việc mua lại 3 ngân hàng yếu kém trước đây, theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa - có thể là giải pháp tình thế cần thiết để giữ niềm tin thị trường, tránh đổ vỡ của hệ thống, nhưng về lâu dài, vị chuyên gia này cho rằng, với những ngân hàng quá yếu kém, không thể phục hồi thì thay vì chuyển giao bắt buộc, nên từng bước nhẹ nhàng cô lập, thu hẹp dần cả hoạt động huy động và cho vay và tiến hành phá sản khi điều kiện chín muồi.

“Việc thực hiện phá sản vài ngân hàng yếu kém để làm gương cho thị trường là cần thiết”, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.

Hiện tại, sau khi mua lại 3 ngân hàng yếu kém, NHNN đang là cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tại 7 ngân hàng thương mại và là cổ đông “khủng” nhất của hệ thống ngân hàng. Nếu tiếp tục chuyển giao bắt buộc, con số này chắc chắn sẽ tăng lên và điều này trái với chủ trương thoái vốn của Chính phủ.

Phá sản - bao giờ có thể tiến hành?

Việc thực hiện các giải pháp thị trường đối với xử lý ngân hàng yếu kém như sáp nhập, giải thể, phá sản… được các chuyên gia kinh tế ủng hộ. Theo luật sư Trương Thanh Đức, hành lang pháp lý đã đầy đủ cho việc phá sản ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra là, với sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện nay, liệu giải pháp này có khả thi?

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, phá sản ngân hàng phải được chuẩn bị rất kỹ, nếu không có thể gây ra hiệu ứng domino.

Thực tế, nếu tính cả khối nợ xấu khổng lồ đang “gửi kho”, sức khỏe của nhiều ngân hàng vẫn khá mong manh. Chính vì vậy, phá sản ngay thời điểm này chưa khả thi, có thể gây ra hiệu ứng domino. Tuy nhiên, sau 5 năm nữa, khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu hoàn thành vai trò lịch sử, nợ xấu giảm bớt, thì việc phá sản ngân hàng có thể tính tới. 

Hơn nữa, theo ông Lực, trước khi tiến hành giải pháp phá sản, NHNN phải nâng cao được năng lực của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi. Mức bồi thường tối đa 75 triệu đồng cho khoản tiền gửi hiện nay nếu ngân hàng phá sản là quá thấp. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng cho người gửi tiền, trước khi thực hiện phá sản, khâu thông tin cần phải minh bạch. Theo đó, NHNN nên công khai xếp hạng từng loại ngân hàng để người gửi tiền lựa chọn, tránh tình trạng “tù mù” như hiện nay. Đồng thời, NHNN phải thúc ép tất cả các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn, công khai minh bạch thông tin để cổ đông và nhà đầu tư cùng giám sát.

Tin liên quan
Tin khác