Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Quy chế này quy định nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức lập, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân xem xét, thẩm tra, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định hoặc cho ý kiến đối với các báo cáo:
1. Trình Hội đồng nhân dân quyết định: Kế hoạch tài chính 5 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương hằng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
2. Trình Hội đồng nhân dân tham khảo về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương khi xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương.
3. Trình Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách địa phương.
Nguyên tắc lập, thẩm tra, xem xét, quyết định
Nghị định yêu cầu việc lập, thẩm tra, xem xét, quyết định phải bảo đảm sự thống nhất, phù hợp giữa kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương hằng năm.
Kế hoạch tài chính ngân sách, dự toán ngân sách địa phương đảm bảo cân đối ngân sách vững chắc, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách; phân bổ ngân sách địa phương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; quyết toán ngân sách địa phương phải chính xác, đầy đủ, hiệu quả, ngân sách cấp huyện, xã không được quyết toán chi ngân sách lớn hơn thu ngân sách.
Việc lập, thẩm tra, xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm địa phương; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm; điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, dự toán ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương phải tuân thủ các quy định về nguyên tắc cân đối, quản lý ngân sách, phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách, nội dung, trình tự, phương thức, thời gian, thẩm quyền của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật tổ chức chính quyền địa phương và quy định của Quy chế này.
Nghị định cũng nêu rõ: Năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân lập kế hoạch tài chính 5 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương. Hằng năm, Ủy ban nhân dân lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm địa phương trình Hội đồng nhân dân để tham khảo khi xem xét, quyết định dự toán, phân bổ ngân sách địa phương.
Hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (cấp huyện và cấp xã lập dự toán thu ngân sách nhà nước đối với những khoản thu được phân cấp quản lý), dự toán thu, chi ngân sách địa phương (đối với cấp tỉnh và cấp huyện gồm ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới).