Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, đúng ra thì đã phải có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm. Thưa Bộ trưởng, vì sao kế hoạch này chưa được trình Quốc hội thông qua?
Kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện theo Luật Đầu tư công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, tức là đã có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị 2 năm. Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 phải đến ngày 1/1/2017 mới có hiệu lực. Vì vậy, chúng tôi muốn có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị thật chu đáo, nên đề nghị được thực hiện Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm kể từ năm 2018 đến hết năm 2020.
. |
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cũng đã trình Quốc hội định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Vì thế, tất cả các nội dung của Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm không chỉ bám sát vào các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua, mà còn bám sát định hướng kế hoạch tài chính cũng như mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay kể trên.
Bộ trưởng đã từng phát biểu, cân đối ngân sách hằng năm chẳng khác gì người đi trên dây, không cẩn thận sẽ ngã vì thu ngân sách bấp bênh. Bây giờ lập kế hoạch tài chính 3 năm và 5 năm chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều?
Năm 2016, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Các khoản chi tiêu, trong đó có chi đầu tư xây dựng cơ bản, cũng căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng này. Đến đầu tháng 10, Chính phủ dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,3-6,5%, nhưng qua thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016 của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì thấy, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,3-6,5% trong 3 tháng cuối năm phải cố gắng, nỗ lực hơn rất nhiều.
Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2016, nhưng đến giờ cũng chưa lấy gì làm chắc chắn GDP sẽ tăng trưởng bao nhiêu, cân đối thu ngân sách thế nào, trong khi chi ngân sách lại căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tính ra quy mô GDP, sau đó phân bổ cho từng khoản. Như năm nay, theo dự kiến quy mô GDP đạt 5,1 triệu tỷ đồng, giờ tính lại chỉ còn 4,6 triệu tỷ đồng, khoản hụt 500.000 tỷ đồng phải cơ cấu rất khó khăn để bảo đảm bội chi, nợ công không quá cao.
Cân đối ngân sách hằng năm đã vậy, còn cân đối 3 năm, 5 năm chắc chắn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.
Dù khó vẫn phải làm, thưa Bộ trưởng, vì Kế hoạch tài chính - ngân sách trung hạn đã được luật định?
Kế hoạch tài chính trung hạn xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu; số chi và cơ cấu chi; định hướng về bội chi; giới hạn nợ nước ngoài, nợ công, nợ chính phủ. Thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Quốc hội Kế hoạch tài chính 5 năm trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2016-2020.
Đối với Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, chúng tôi muốn có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu dựa vào tình hình kinh tế năm 2016 và 2017, từ đó mới tính được tương đối chính xác trong giai đoạn 2016-2020 cân đối nguồn lực tài chính thế nào, thu chi ra sao để bảo đảm bội chi, nợ công, nợ chính phủ, cơ cấu chi, cơ cấu thu…
Chưa có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm thì đầu tư trung hạn làm sao thực hiện được, thưa Bộ trưởng?
Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm chỉ là định hướng thu chi cho cả giai đoạn. Trong đó, năm thứ nhất chính là năm dự toán và được chi tiết theo từng khoản thu, chi và cơ cấu thu, chi và số bội chi. Hai năm tiếp theo đưa ra các dự báo về số thu, chi, bội chi và một số nội dung liên quan khác để làm định hướng xác định thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực khi lập dự toán năm tương ứng.
Định hướng cho cả giai đoạn 2016-2020 là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,75%/năm; tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP bình quân khoảng 20-21%; quy mô thu ngân sách ước vào khoảng 6.864.000 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước… Với kịch bản này, trong cả giai đoạn 2016-2020, ngân sách sẽ dành tối đa 2 triệu tỷ đồng để chi đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng không phân bổ hết mà phải để lại 10% (200.000 tỷ đồng) làm dự phòng và chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án mới.