Hằng năm, các tổ chức quốc tế rót hàng chục triệu USD hỗ trợ các start-up công nghệ khí hậu tại Việt Nam. |
Nhiều doanh nghiệp Việt nhận vốn không hoàn lại
Công ty cổ phần Phúc Sinh vừa công bố nhận được khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 431.250 EUR (tương đương 11,7 tỷ đồng) từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD).
Phát biểu tại buổi công bố tài trợ, ông Albert Bokkestijn, Quản lý Dự án SNV-DFCD cho biết, biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu cần hành động khẩn cấp ở mọi cấp độ. “Các vùng sản xuất cà phê của Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và nông dân sản xuất nhỏ chưa có sự chuẩn bị cho những hậu quả. Số vốn hỗ trợ ban đầu này được thiết kế để giảm thiểu rủi ro cho mô hình kinh doanh của Phúc Sinh, nâng cao sức hấp dẫn của dự án mở rộng đối với các nhà tài trợ tiềm năng”, đại diện DFCD nói.
Chỉ trong hơn 2 tháng, nhận vốn đầu tư từ 2 quỹ ngoại, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Phúc Sinh cho biết, rất nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn trên thế giới đang tìm đến các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đây là ưu thế của Việt Nam và tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng đang trong giai đoạn bùng nổ ở nước ta.
Khoản tài trợ từ DFCD không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn là sự công nhận từ một tổ chức quốc tế đối với nỗ lực của Phúc Sinh trong việc thực hiện các sáng kiến về ESG.
“Không chỉ các quỹ đầu tư Hà Lan, mà nhiều quỹ khác cũng đang tìm hiểu chúng tôi. Đó là thành quả của Phúc Sinh khi từ 14 năm trước đã mạnh dạn chi hàng tỷ đồng đầu tư sản xuất bền vững”, ông Thông nhấn mạnh.
Ngoài Phúc Sinh, năm 2022, DFCD tài trợ 295.000 EUR cho Camimex Group, đồng thời cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng một đề xuất đầu tư kinh doanh liên quan đến phát triển và mở rộng sản xuất tôm rừng ngập mặn được quản lý bền vững.
Còn theo Báo cáo Hệ sinh thái tài trợ công nghệ khí hậu tại Việt Nam 2024 do New Energy Nexus Việt Nam kết hợp Clickable Impact Consulting Group vừa công bố, giai đoạn 2015 - 2023, các start-up công nghệ khí hậu tại Việt Nam đã nhận tài trợ tổng cộng 92,6 triệu USD. Bình quân mỗi năm, có khoảng 11,5 triệu USD chảy vào các start-up này. Trong đó, tài trợ không hoàn lại là 2 triệu USD.
Tài trợ không hoàn lại đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái tài trợ lĩnh vực này. Cụ thể, các chương trình như Greentech Incubator của GIZ, Startup Wheel của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, Qualcomm Vietnam Innovation Challenge và Net Zero Challenge của Touchstone Partners và Temasek đã rót gần 2 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu giai đoạn đầu của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jason Lusk, Giám đốc điều hành Clickable Impact cho biết, có 92,4 triệu USD vốn ngoại rót vào các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2023, đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ cho một lĩnh vực chỉ mới cất cánh gần đây. Theo đó, các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, giao thông… đang được quan tâm hàng đầu.
“Các công ty khởi nghiệp về protein thay thế (Entobel, Cricket One), hậu cần thông minh (Logivan, EcoTruck) và các công ty khởi nghiệp về xe điện (Selex Motors, Dat Bike) đã thu hút sự chú ý đáng kể. Tuy nhiên, nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư sẽ là các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả về năng lượng, các công ty khởi nghiệp về carbon và kinh tế xanh”, ông Jason nhận định.
Còn nhiều thách thức
Theo ông Jason Lusk, một trong những thách thức lớn nhất trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ khí hậu Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư chuyên ngành hạn chế. Bởi trên thực tế, Việt Nam chứng kiến làn sóng đầu tư mạo hiểm đổ vào mạnh, nhưng phần lớn tập trung trong các lĩnh vực công nghệ truyền thống như trò chơi, thương mại điện tử, công nghệ tài chính.
“Trong khi đó, công nghệ khí hậu thường đòi hỏi thời gian đầu tư dài hơn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn như chuyển đổi năng lượng và môi trường xây dựng”, đồng chủ tịch Ủy ban Môi trường và Hành động khí hậu của AmCham Hà Nội cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác là tài năng. Ở giai đoạn đầu tư ban đầu - tiền hạt giống và hạt giống - các nhà đầu tư thường đầu tư vào đội ngũ nhiều hơn là công nghệ. Do vậy, công nghệ khí hậu vẫn chưa thu hút được những tài năng khởi nghiệp xuất sắc nhất của Việt Nam, những người bị thu hút bởi nguồn tiền “dễ dàng hơn” trong các lĩnh vực khởi nghiệp khác.
Công nghệ khí hậu cũng đòi hỏi nhiều tài năng kỹ thuật chuyên ngành. Tại Việt Nam, hiện chỉ có hai công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu, gồm Forte Biotech và CEnergy tách ra khỏi hoạt động nghiên cứu ở trường đại học. Chính vậy, việc tăng cường mối liên kết giữa giới học thuật và ngành công nghiệp có thể giúp thu hút thêm nguồn tài trợ cho hệ sinh thái.
Qua báo cáo nghiên cứu, Giám đốc điều hành Clickable Impact nhận định, đầu tư tích cực vào hệ sinh thái công nghệ khí hậu của Việt Nam hầu hết là nhà đầu tư quốc tế, gồm những tên tuổi lớn như Antler; các quỹ của Singapore như Clime Capital, East Ventures, Jungle Ventures, Pigasus, Quest Ventures; các nhà đầu tư Hàn Quốc như Sopoong, STIC. Ngoài ra, một số nhà đầu tư khu vực tư nhân, như Quỹ đầu tư mạo hiểm ADB của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cũng tích cực tham gia các thỏa thuận công nghệ khí hậu tại Việt Nam.
“Điều khiến họ cảm thấy đặc biệt được khuyến khích là sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước ở Việt Nam. Ví dụ, các công ty cổ phần tư nhân Dragon Capital và Mekong Capital đều tham gia vòng gây quỹ Series B của Entobel, trong khi Earth Ventures và Touchstone Partners ngày càng tích cực hơn trong các giao dịch ở giai đoạn đầu”, ông Jason nói.