Y tế - Sức khỏe
Quy định cách ly: Không nên mỗi nơi một kiểu!
D.Ngân - 19/01/2022 19:07
Một số chuyên gia cho rằng, việc mỗi địa phương lại đưa ra một quy định khác trong phòng chống dịch là không phù hợp.

Liên quan tới việc mỗi địa phương đưa ra quy định riêng về cách ly, xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hà Nội nêu quan điểm, những người ở nước ngoài về đã xét nghiệm âm tính cũng chỉ cách ly 3 ngày.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc người dân trong nước lại bị cách ly, theo dõi sức khỏe 7 - 14 ngày là không nhất quán trong vấn đề chống dịch và gây đảo lộn nhiều cho cuộc sống sinh hoạt cho người dân.

Một số chuyên gia cho rằng, việc mỗi địa phương lại đưa ra một quy định khác trong phòng chống dịch là không phù hợp

Đối với địa phương, theo ông Hùng, quan trọng nhất là đánh giá tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cho người dân đã đáp ứng chưa, còn ai chưa được tiêm vắc-xin, đặc biệt những đối tượng trì hoãn, phải đến từng nhà để tiêm để trang bị sự miễn dịch tối thiểu cho họ nếu dịch xâm nhập vào cơ thể. 

Với đối tượng có nguy cơ các tỉnh cần kiểm soát để có biện pháp phù hợp, vì có những người dương tính nhưng vẫn bán hàng, tiếp xúc với nhiều người. 

Đồng thời các địa phương phải rà soát năng lực điều trị những ca bệnh nặng của địa phương, số lượng thầy thuốc, trang thiết bị, ô-xy, máy thở… đã được đảm bảo nhằm sẵn sàng điều trị người bệnh bị biến chứng nặng.

Về phía người dân, phải tuân thủ quy định khi đi lại, di chuyển. Nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiếp xúc với ca bệnh thì phải xét nghiệm để xác định có nên đi tiếp hay không.

Trong quá trình di chuyển phải thực hiện đúng các nguyên tắc 5K , đặc biệt lưu ý đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng, nơi chật chội, đông người, tránh lây nhiễm trong quá trình di chuyển. 

Ở thời điểm hiện tại chuyên gia cho rằng, thay vì các mệnh lệnh hành chính khô khan, thể hiện việc ngăn sông, cấm chợ các tỉnh, thành phố cần tập trung cho việc điều trị trường hợp bị nhiễm, nâng cao năng lực điều trị ca nặng.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, một số quận, huyện không cho bán hàng tại chỗ khi là vùng cam, rồi mấy hôm nữa trở thành vùng vàng lại cho mở, rồi lại đóng. Nhưng thực tế người dân vẫn làm việc, đi lại từ quận này sang quận kia để ăn uống, làm việc.

Vì vậy, việc hạn chế này không giúp cho việc không để xảy ra lây nhiễm nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hay vấn đề kinh tế của người dân.

“Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn cần phải tuýt còi những địa phương có những quy định “ngăn sông, cấm chợ”. Đồng thời, phải liệt kê những việc được làm, không được làm, áp dụng vào những tình huống cụ thể”, ông Hùng nêu ý kiến.

Được biết, tỉnh Thái Bình quy định những người đến từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đến tỉnh vào ngày thứ nhất.

Những trường hợp phải cách ly y tế 7 ngày tại Thái Bình gồm những người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch hoặc vùng cách ly y tế. Những người này tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 1 và 7.

Từ 20 giờ ngày 15/1, tất cả người đến lưu trú, trở về tỉnh Tuyên Quang phải tự xét nghiệm, báo cáo kết quả với chính quyền địa phương. 

Nếu kết quả dương tính, người dân phải cách ly, điều trị theo quy định; nếu có kết quả âm tính sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. 

Trường hợp gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, người dân phải báo ngay đến trạm y tế gần nhất.

Quảng Ninh không yêu cầu giấy xét nghiệm với người vào địa bàn. Tuy nhiên người từ vùng đỏ, cam sẽ phải cách ly tập trung.

Người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 2 lần, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. 

Người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc-xin, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Tỉnh Lào Cai quy định, những trường hợp đến/về từ vùng đỏ và vùng cam đều phải thực hiện xét nghiệm. Trong đó, người đến/về từ các vùng nguy cơ cao chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 hai lần (vào ngày 1 và 7 kể từ ngày về địa phương). 

Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều được yêu cầu xét nghiệm nhanh ngày 1 và 7, lấy mẫu RT-PCR ngày 14.

TP.Hải Phòng quy định người về từ vùng đỏ, đã tiêm đủ hai liều vắc-xin phải cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần và tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.

Riêng người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày, người già, bệnh nặng, trẻ nhỏ cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.

Người từ vùng cam cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm một lần. Người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày, người già, bệnh nặng, trẻ nhỏ cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.

Người từ vùng vàng đã tiêm đủ liều tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ liều vắc-xin hoặc mũi hai chưa qua 14 ngày thì tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.

Người từ vùng xanh, mới khỏi Covid-19, người tiêm đủ hai mũi vắc-xin tự theo dõi sức khỏe 7 ngày và thời gian 14 ngày áp dụng với người chưa tiêm đủ mũi.

Lạng Sơn quy định những trường hợp trở về từ vùng cam, vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất. Tỉnh buộc cách ly y tế đối với người đến/về địa phương từ địa bàn có dịch nguy cơ cao, nguy cơ rất cao hoặc vùng cách ly y tế.

Đặc biệt, công nhân từ các khu công nghiệp trở về Lạng Sơn phải thực hiện test nhanh tại các chốt kiểm soát hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực để trình cơ quan kiểm soát; đồng thời đến Trạm Y tế địa phương để thực hiện khai báo y tế bắt buộc.

Ngày 17/1 Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Hiện tại việc đi lại, thông thương, học hành... đều đang áp dụng nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, trong đó quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ.
Tin liên quan
Tin khác