Ngân hàng
Quy định hạn mức giao dịch của Ví điện tử quá thấp gây khó cho người dùng
Hữu Tuấn - 10/05/2019 17:21
Các ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán ngày 10/5 đều cho rằng việc quy định hạn mức giao dịch thấp cho ví điện tử sẽ hạn chế, gây khó cho người dùng và doanh nghiệp.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử của cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử sang Ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Đối với Ví điện tử của tổ chức, hạn mức này lần lượt là 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng. Đây là một nội dung lớn mà Ngân hàng nhà nước đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 39.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN lý giải, căn cứ vào "tình hình thực tiễn" rằng cả nước có 29 đơn vị trung gian thanh toán và đơn vị cung cấp ví điện tử có số lượng lớn nhất khoảng 60 triệu giao dịch/năm.

Các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ xoay quanh con số 200.000 đồng trong khi giá trị bình quân lớn nhất cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng. Ông Dũng nói thêm rằng khi đưa ra hạn mức 20 triệu đồng mỗi ngày "thì có thể gặp phản ứng", tuy nhiên lý do giới hạn là nhằm để "tránh trường hợp mua bán kinh doanh sau đó sử dụng ví để che giấu vì mục đích khác như không khai báo thuế".

Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Thông tư hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán do VCCI và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10/5/2019.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng không nên giới hạn hạn mức chi tiêu qua ví điện tử.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, quy định về hạn mức ngày là tương đối hợp lý. Nhưng đối với hạn mức tháng là không hợp lý, sẽ kìm hãm thanh toán điện tử phát triển, nên đặt hạn mức 150 triệu – 200 triệu/tháng.

Ông Nguyễn Bá Diệp, CEO Momo đặt vấn đề xây dựng pháp luật nên có cái nhìn dài hạn hơn.

“Thông tư 39 sửa đổi sẽ phục vụ thị trường 3-5 năm thì có nên tăng hạn mức để chuẩn bị cho sự phát triển nhanh chóng trong tương lai?”, ông Diệp nói và đề nghị “nới” hạn mức giao dịch cá nhân tăng lên 200 triệu/tháng để chuẩn bị cho tương lai 5 năm tới, khi thị trường phát triển nhanh, mạnh. Đồng thời, đề xuất không áp dụng hạn mức với ví doanh nghiệp để tránh bị hạn chế các giao dịch

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử, cho rằng nên mở hơn với thanh toán 100 triệu đồng/tháng. Nếu ai có nhu cầu và có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ. 

“ Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi rất nhanh, nên khi mở ví điện tử, các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử mặc định đặt ngưỡng đóng là 100 triệu đồng/tháng và nếu cá nhân nào có như cầu cao hơn thì có quyền mở thêm. Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm bắt tình hình thực tế và điều chỉnh nếu gây ảnh hưởng nhiều”, ông Hưng nêu quan điểm.

Còn bà Nguyễn Thùy Dương,Phó TGĐ E&Y Việt Nam góp ý rằng, quy định về hạn mức nên chia theo từng mức, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của cá nhân, doanh nghiệp. Nếu khách hàng muốn chi tiêu nhiều hơn thì sẽ ra tận nơi để đăng kí. Điều này sẽ thúc đẩy lưu chuyển, hoạt động tài chính toàn diện hơn.

Thậm chí, ông  Trần Quang Huy, CLB Fintech còn cho rằng, đối với quy định này NHNN nên bỏ hạn mức để người dùng có quyền tự định đoạt tài sản của mình.

“Tôi cảm thấy Dự thảo Thông tư  39  giống như 1 giấy phép con, quy định hạn mức giao dịch thì cũng gián tiếp quy định cả doanh thu của 29 doanh nghiệp trung gian thanh toán. Nếu như ngân hàng mở ví điện tử thì ví của fintech không có cửa cạnh tranh với ngân hàng.  Chức năng của ví điện tử là thanh toán thì khi người dùng có nhu cầu thanh toán phải tạo điều kiện cho họ thanh toán tối đa. Nếu ví điện tử không khách hàng cho thanh toán thì người dùng cũng lại đi tiêu bằng kênh khác”, ông Huy nói.

Ông Phùng Anh Tuấn – Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, theo thuyết minh của NHNN thì  ví điện tử chỉ sử dụng cho giao dịch nhỏ, là điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ và  hiện các quy định pháp luật không có quy định nào về việc ví điện tử chỉ được sử dụng cho giao dịch nhỏ. Vậy căn cứ xác định giao dịch nhỏ là gì?

“Tôi cho rằng Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở hạn mức này. Tôi đề xuất không quy định hạn mức hoặc tăng hạn mức lên”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác