Đầu tư
Quy định thế này thì tư nhân hết ‘đất’ đầu tư!
Mạnh Bôn - 22/04/2014 09:00
Theo Dự thảo Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Nhà nước sẽ đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp mới vào dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; ngành lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
DNNN ở đâu trong công nghiệp hóa "phiên bản 3.0"?
Nhà nước lại “ôm” doanh nghiệp
Có bằng chứng Việt Nam đã dính bẫy thu nhập trung bình

“Nếu Dự thảo được Quốc hội thông qua, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ còn nước đứng nhìn cảnh đầu tư dàn trải”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiên đoán và khẳng định, Dự thảo đi ngược nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân không làm, chưa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài; chỉ đầu tư vào một số ít lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia, bí mật quốc phòng, an ninh.

Còn nếu quy định như Dự thảo, thì làm gì còn “đất” để các thành phần kinh tế khác tham gia sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm cho xã hội.

   
  Dự thảo Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi về phạm vi đầu tư vốn của nhà nước  

Theo Chủ tịch Quốc hội, sản phẩm sản xuất ra, dịch vụ do tổ chức, cá nhân cung cấp từ lương thực, thực phẩm, giày dép, quần áo, thiết bị, máy móc, xi măng, sắt thép, vận tải, y tế, giáo dục, viễn thông… cái gì cũng thiết yếu, cái gì cũng phục vụ con người, phục vụ xã hội, phục vụ phát triển kinh tế.

“Trời ơi, với dự thảo này, doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có quyền đầu tư vào cả những lĩnh vực mà sản phẩm đang dư thừa như xi măng, sắt thép vì không ai dám khẳng định xi măng, sắt thép không phải là 2 sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Quy định Nhà nước đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền tự nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, cũng không thể chấp nhận được.

“Thế nào là độc quyền tự nhiên? Ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, sân bay, cảng biển… có phải là độc quyền không? Chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa tất cả những lĩnh vực này, ngay cả hai sở giao dịch chứng khoán, trước đây là đơn vị sự nghiệp nay đã chuyển thành doanh nghiệp nhà nước và tiến tới cổ phần hóa để tư nhân họ tham gia. Trời ơi! Các anh quy định thế này thì chết!”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, bộ, ngành nào, tỉnh, thành nào, quận, huyện nào, tập đoàn nào, tổng công ty nào cũng nhìn thấy rất nhiều lĩnh vực độc quyền tự nhiên và nếu không sửa đổi quy định “Nhà nước đầu tư thành lập doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vưc độc quyền tự nhiên”, thì sẽ đến mức Bộ trưởng Bộ Tài chính phải “chắp tay vái các anh, các chị, ngân sách không có tiền để đầu tư vào những lĩnh vực độc quyền tự nhiên” mỗi khi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến Bộ Tài chính xin cấp vốn đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, bản thân ông và cán bộ thuộc các bộ, ngành thực sự mệt mỏi mỗi khi đàm phán với các đối tác nước ngoài thuyết phục họ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vì doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư cả những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân đã và đang làm rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp nhà nước.

Tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân

(Baodautu.vn) Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), bà Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính - ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác