7 doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị đánh giá lại tình hình thực tế về quy định thông báo sử dụng mã số mã vạch với doanh nghiệp, từ đó, xem xét bãi bỏ quy định này. |
Nội dung công văn vẫn tập trung vào những bất cập liên quan đến quy định về mã số mã vạch, ghi nhãn hàng hóa… mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu đã kiến nghị nhiều lần. Hai tuần trước, Amcham cũng có đề nghị tương tự.
Lại phải đặt ra câu hỏi rất cũ. Đó là Ban soạn thảo đã có tính đến giải pháp khác, công cụ khác để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước như yêu cầu của Chính phủ trong quá trình xây dựng văn bản, quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không? Lý do là lần này, Canon Việt Nam, Yamaha Motor Việt Nam, Brother Việt Nam… phải lên tiếng vì cả khó khăn hiện hữu lẫn những lo ngại sẽ có thêm gánh nặng thủ tục cùng chi phí khi dự thảo văn bản mới có thêm rào cản cho doanh nghiệp.
Trong văn bản được đồng kính gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp…, 7 doanh nghiệp Nhật Bản đã kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành đánh giá lại tình hình thực tế về quy định thông báo sử dụng mã số mã vạch với doanh nghiệp, từ đó, xem xét bãi bỏ quy định này; đề nghị không quy định phải ghi nhãn bằng tiếng Việt với hàng xuất khẩu, sửa quy định phải ghi nội dung nhà nhập khẩu đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu…
Thực trạng mà các doanh nghiệp đề nghị đánh giá không chỉ nằm bên trong biên giới Việt Nam, liên quan nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước của Việt Nam, tới khó khăn, chi phí phát sinh mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tuân thủ, mà quan trọng là thông lệ quốc tế, các quy định tương tự ở các thị trường khác theo đó chính các doanh nghiệp này đang tuân thủ.
Phải nhấn mạnh, hàng hóa do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, nhưng theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, đối tác nhập khẩu, phân phối, đặt hàng ở nước ngoài. Việc cơ quan quản lý nhà nước quy định bên đối tác cung cấp các giấy tờ mà không ở nước nào yêu cầu, gắn thêm nhãn ghi tiếng Việt với hàng không bán ở Việt Nam… khiến doanh nghiệp lo ngại.
Trong bối cảnh chuỗi sản xuất, kinh doanh đang đứt gãy, đơn hàng ít do tác động của Covid-19, rất có thể các chủ hàng nước ngoài vì không muốn phát sinh thêm thủ tục, chi phí nên sẽ chuyển đơn hàng tới những nơi thuận lợi hơn. Hơn thế, mã số mã vạch của nhà phân phối có mục tiêu quản lý hàng hóa của họ một cách thuận tiện, không thể hiện đặc tính chất lượng, không chứa thông tin truy xuất nguồn gốc và như vậy, không có tác dụng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại như mong muốn của các cơ quan quản lý. Điều này có nghĩa, sẽ phải có những giải pháp khác, công cụ khác để phục vụ mục tiêu của quản lý nhà nước.
Trong các bức thư gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp luôn thể hiện kỳ vọng rất rõ ràng. Đó là, mong được các cơ quan xem xét ý kiến đóng góp, để ban hành các văn bản phù hợp với thực tiễn, để doanh nghiệp có thể yên tâm, ổn định sản xuất, kinh doanh. Không có doanh nghiệp nào nói đến việc sẽ dừng lại, chuyển đi.
Rõ ràng, các doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, mà đang xắn tay vào cùng bàn thảo, xây dựng, giải tỏa các khó khăn, vướng mắc. Nhưng cũng chính lúc này, các doanh nghiệp muốn thấy rõ hơn trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước.