Doanh nghiệp
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Thiết chế đủ mạnh để chống chuyển giá
Mạnh Bôn - 20/11/2020 09:14
Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được đánh giá là biện pháp mạnh để chống tình trạng chuyển giá.
Metro là doanh nghiệp có vốn FDI trước đây bị phát hiện hành vi chuyển giá. Ảnh: Đức Thanh

Chống vốn mỏng

Theo Nghị định 132 (thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP), thì tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay. Như vậy, Nghị định 132 đã kế thừa toàn bộ nội dung này của Nghị định 68/2020/NĐ-CP là nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Mục tiêu của khống chế lãi vay là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua việc công ty con ở Việt Nam vay vốn quá mức của công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài. Các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam chắc chắn không thực hiện hành vi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thì không nên khống chế chi phí lãi vay”.

Tuy nhiên, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, theo các cam kết quốc tế, tất cả các cơ chế, chính sách không được phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nên Nghị định 132 vẫn phải áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước. “Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến nay, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách được ban hành đều không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”, ông Minh khẳng định và cho biết, mức khống chế lãi vay được nâng từ 20% lên 30% là phù hợp với thực tế, theo thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về “sự xói mòn cơ sở thuế nội địa và sự dịch chuyển lợi nhuận” (BEPS).

Cũng theo ông Minh, việc khống chế chi phí lãi vay còn nhằm mục tiêu chống doanh nghiệp “vốn mỏng”, hoạt động chủ yếu bằng vốn đi vay; doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hạn chế, nhưng thành lập hàng loạt công ty con, công ty cháu, sẽ dẫn đến mất an toàn tài chính cho cả hệ thống do đổ vỡ hàng loạt trong trường hợp một số doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ.

Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, hiện nay rất nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả (kể cả vay ngân hàng) đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Cụ thể, tỷ lệ này tại New Zealand, Đức, Australia, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Pêru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil… là 3/1; Canada là 2/1; Pháp, Mỹ là 1,5/1. Trung Quốc áp dụng tỷ lệ 2/1 đối với doanh nghiệp thông thường và 5/1 đối với các tổ chức tài chính.

Còn tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã từng kiến nghị khống chế chi phí được trừ đối với phần vốn vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, song kiến nghị này hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu trước khi Quốc hội sửa đổi Luật Thuế TNDN vào thời gian tới và việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 132 chính là bước khởi đầu để hạn chế doanh nghiệp vốn mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay lẫn nhau.

“Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn điều lệ. Nếu doanh nghiệp đi vay quá nhiều, trong trường hợp gặp khó khăn phải đóng cửa, giải thể, phá sản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân doanh nghiệp cho vay nên cần phải khống chế và việc khống chế không thể có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Minh nhấn mạnh.

Chủ yếu doanh nghiệp FDI bị điều chỉnh

Mặc dù Nghị định 132 không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI, tuy nhiên, trên thực tế, chủ yếu khu vực FDI bị điều chỉnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 16.500 doanh nghiệp có quan hệ liên kết, trong đó có trên 8.000 doanh nghiệp có giao dịch liên kết. “Trong số doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì doanh nghiệp FDI chiếm trên 83%, như vậy, chỉ có khoảng 17% doanh nghiệp trong nước thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Nghị định 132, cụ thể là bị khống chế tỷ lệ lãi vay”, ông Minh cho biết.

Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế thanh, kiểm tra 647 doanh nghiệp FDI, đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.475 tỷ đồng, giảm lỗ 7.685 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.000 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại thị trường, giá thị trường đã truy thu trên 793 tỷ đồng, giảm lỗ 4.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 7.793 tỷ đồng.

Cũng theo ông Minh, mặc dù tuyệt đại đa số doanh nghiệp FDI bị điều chỉnh bởi việc khống chế chi phí lãi vay, nhưng ngay cả mức khống chế chi phí lãi vay tối đa 20% theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng chưa thấy doanh nghiệp FDI nào lên tiếng là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, chỉ một số doanh nghiệp trong nước là có ý kiến.

“Thông qua các tổ chức của mình như Eurocham, Amcham, Korcham, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản… các doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhiều ý kiến xây dựng Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cũng như Nghị định 132. Cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, những quy định về chống chuyển giá của Việt Nam được thiết kế theo thông lệ quốc tế, khuyến cáo của OECD cũng như thực tế ở Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước do chưa quen với việc khống chế chi phí lãi vay, bây giờ bị khống chế, mặc dù mức khống chế 30% là mức tối đa theo khuyến cáo của OECD, nên một số doanh nghiệp có thắc mắc, đây cũng là điều bình thường”, ông Minh nói.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng giao dịch liên kết để chuyển giá, giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rất đồng tình với việc phải có một thiết chế đủ chặt để ngăn chặn tình trạng này.

Theo ông Hùng, trong thời gian qua, tình trạng chuyển giá, trốn thuế diễn biến hết sức phức tạp và chưa có xu hướng thuyên giảm, bởi thế, cần phải có một thiết chế đủ mạnh như Nghị định 132 mới có thể kiểm soát được hoạt động chuyển giá.

Tin liên quan
Tin khác