Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận. |
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 21/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi),
Báo cáo nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, quy định về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước còn chưa hợp lý.
Cụ thể, bà Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội (phương án 1 điều 105)
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên vẫn còn chưa hợp lý, cần quy định theo hướng: Phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (phương án 2 điều 105).
Tham gia thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói gần đây trên diễn đàn có ý kiến đề nghị không nên dùng từ xã hội hóa.
Không nên nói trái nghị quyết Trung ương, ông Định nhấn mạnh và cho rằng có thể thiết kế nội hàm xã hội hóa khác đi chứ không thể bỏ xã hội hóa.
"Nghị quyết Trung ương nói đi nói lại mãi bây giờ lại bảo không có xã hội hóa, không được. Khối y tế tư nhân làm hiệu quả, chứ phải không đâu. Đội ngũ y tế cả công và tư đều đóng góp cho xã hội", Phó chủ tịch phát biểu.
Đề cập tình trạng đội ngũ cán bộ y tế chuyển từ khu vực công sang khu vực tư mà theo một số quan điểm là chảy máu chất xám, ông Định nói nhân lực đó vẫn ở trong quốc gia mình, nhân dân vẫn được hưởng, có chạy đi đâu.
"Đấy là do cơ chế chính sách, công sử dụng không tốt thì anh em chuyển sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này, có chạy đi đâu mà sợ. Nhưng mình cũng phải sửa chính sách công đi để giữ cán bộ", Phó chủ tịch nêu quan điểm.
Liên quan đến xã hội hoá, Dự thảo luật trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định:
Phương án 1: Điều 105. Xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Mọi tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tự chăm lo sức khỏe, phát hiện bệnh sớm cho các thành viên trong tổ chức, gia đình và bản thân; tham gia hỗ trợ giải quyết các trường hợp cấp cứu, xảy ra tai nạn, thương tích tại cộng đồng và tham gia hỗ trợ các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có sự huy động của cơ quan có thẩm quyền.
2. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, ưu đãi tổ chức và cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
3. Việc thu hút đầu tư của tư nhân trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
b) Các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Phương án 2: Điều 105. Nguồn lực xã hội ngoài ngân sách nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
1. Huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đầu tư cơ sở vật chất
- Xây dựng các công trình trên đất, các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Trang thiết bị y tế, phương tiện phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.
b) Cung ứng dịch vụ y tế lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế (như giặt là, ăn uống, bảo vệ, cửa hàng tiện lợi, duy tu bảo dưỡng và các dịch vụ khác); dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;
b) Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hình thức đối tác công tư;
c) Các hình thức xã hội hóa khác theo quy định của Chính phủ.
3. Nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho lĩnh vực y tế
a) Công khai, minh bạch theo quy định pháp luật;
b) Tổng mức đầu tư, Tổng vốn đầu tư, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Dự toán gói thầu phải được lập và phê duyệt theo quy định pháp luật;
c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà cung ứng dịch vụ theo quy định pháp luật.
4. Chính phủ quy định khung lợi nhuận đối với việc đầu tư quy định tại điểm b, khung lợi nhuận đối với một số hình thức xã hội hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều này và quy định chi tiết Điều này.