Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiện họp. |
Vốn điều lệ thì có thể thay đổi, nay thế này mai thế khác, mà doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm đến cùng với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nên quy định vốn chủ sở hữu mới đảm bảo quyền lợi cho họ được.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung hai lần nhấn mạnh quan điểm trên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), sáng 13/7.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 vừa qua và còn có ý kiến khác nhau về nhiều vấn đề lớn, trong đó có quy định cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại điều 10.
Dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 9 quy định một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là phải có có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 9, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng khái niệm vốn chủ sở hữu là không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp, sẽ thêm khái niệm mới trong hệ thống pháp luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) thống nhất chỉ quy định về vốn điều lệ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, dự thảo luật mới nhất đã thay vốn chủ sở hữu bằng vốn điều lệ tại quy định nói trên.
Ngoài nội dung trên, dự thảo mới nhất còn có những chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách của nhà nước...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tán thành với tất cả các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa, chỉ riêng vốn điều lệ hay vốn chủ sở hữu thì còn băn khoăn.
Vì, theo ông Dung, vốn điều lệ thì khác với vốn chủ sở hữu, mà vốn điều lệ thì có thể thay đổi, nay thế này mai thế khác, rất khó kiểm soát, trong đó doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng với người lao động, khi xảy ra vấn đề gì thì phải sử dụng đến vốn chủ sở hữu để xử lý. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp lại chỉ có khái niệm vốn điều lệ.
Chia sẻ với băn khoăn của Bộ trưởng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, có nhiều doanh nghiệp có thể có vốn điều lệ cao, nhưng vốn chủ sở hữu chưa chắc đã cao bằng. Ông Hiển cũng khẳng định là quy định vốn chủ sở hữu không có vấn đề gì vì đây là hai loại vốn khác nhau.
Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ có khái niệm vốn điều lệ thôi, không có khái niệm vốn chủ sở hữu, nên nếu quy định điều kiện về vốn chủ sở hữu vào thì có độ vênh nhất định với Luật Doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng vẫn băn khoăn.
Đúng là so với Luật Doanh nghiệp thì khác, nhưng Luật Kế toán vẫn quy định vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp cũng nói là theo Luật Doanh nghiệp thì thoáng hơn, nhưng quy định vốn chủ sở hữu mới đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ trưởng Dung nói thêm và tha thiết chọn quy định vốn chủ sở hữu.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nói thêm rằng, quy định vốn chủ sở hữu không có vấn đề gì so với Luật Doanh nghiệp, và Luật Kế toán quy định rất nhiều loại vốn, trong đó có vốn chủ sở hữu. Quy định vốn chủ sở hữu là công cụ để quản lý, để "nắm gáy" anh doanh nghiệp đó, ông Hiển khẳng định.
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ là cần quy định vốn chủ sở hữu tại điều 10, để bảo đảm quyền lợi của cả doanh nghiệp chứ không phải chỉ của người lao động.