Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Đức Trung) |
Ngày 25/4, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và sát sao, đặt kỳ vọng rất lớn và đặt ra yêu cầu dự thảo Quy hoạch tỉnh phải đề xuất các phương án phát triển để tỉnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển, đạt được mục tiêu “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm Vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025”.
“Một bản quy hoạch tỉnh tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh, đồng thời đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo đại diện tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, có quỹ đất phát triển nông nghiệp lớn, giàu tiềm năng về du lịch, năng lượng tái tạo, dân cư và lao động trên địa bàn mang đặc điểm của nhiều vùng miền khác nhau.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng những vấn đề cần giải quyết, Đắk Lắk đề ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: Môi trường - Xã hội - Kinh tế trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là (1) Sinh thái Đất - Nước - Rừng; (2) Bản sắc văn hóa Tây Nguyên; (3) Nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.
Tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 dự kiến đạt 11%, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 10%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 12%/năm.
Đắk Lắk đề ra triết lý quy hoạch đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột: Môi trường - Xã hội - Kinh tế. |
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo, lấy con người là trung tâm của mọi quá trình phát triển, người dân tỉnh Đắk Lắk cùng nhau thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, sinh thái tự nhiên được phục hồi và gìn giữ; bản sắc văn hóa được bảo tồn trên hệ giá trị nhân văn độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; nơi nuôi dưỡng và ươm mầm sáng tạo vùng Tây Nguyên, kết nối và hội nhập quốc tế… Người dân Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Hội nhập, có đời sống khá giả, thụ hưởng môi trường sống xanh, sạch, hòa mình vào thiên nhiên và đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong không gian sáng tạo đặc trưng Tây Nguyên...
Để làm được điều này, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk xác định 5 đột phá phát triển là chính sách, liên kết phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế và phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Về tổ chức không gian phát triển, Đắk Lắk định hướng phát triển hệ thống đô thị theo mô hình “Ba cực, đa trung tâm”, chức năng chia sẻ, kết nối thông suốt, hình thành các dải xanh, vành đai xanh, các mảng không gian xanh giữa các đô thị.
Theo đó, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng. Phát triển thị xã Buôn Hồ: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch vùng phía Bắc của tỉnh. Phát triển thị xã Ea Kar: Là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh, là đô thị động lực thứ ba sau Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ, là hạt nhân thu hút nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng và của tỉnh.
Ghi nhận và đánh giá cao công tác lập quy hoạch của địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, nội dung bản Quy hoạch thể hiện tương đối rõ nét về tính liên kết, định hướng phát triển, không gian phát triển, các nguồn lực của tỉnh Đắk Lắk. Quy hoạch cũng thể hiện sự chủ động, khát vọng vươn lên khi khai thác các lợi thế theo hướng tích cực, đặt mục tiêu cao.
Bộ trưởng khẳng định, nội dung Quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch, Báo cáo DMC (đánh giá môi trường chiến lược) cơ bản đảm bảo theo yêu cầu quy định luật về bảo vệ môi trường.
“Nghị quyết 23 đã xác định Đắk Lắk có vị trí rất chiến lược, quan trọng về quốc phòng an ninh, văn hóa, là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên. Có 2 sứ mệnh lớn đặt lên vai Đắk Lắk, đó là phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và là bệ đỡ cho cả vùng Tây Nguyên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tỉnh Đắk Lắk là đầu tàu lôi kéo, lan tỏa của vùng, do đó Bộ trưởng lưu ý, cần kết nối tốt với vùng duyên hải miền trung để tạo lợi thế lớn cho Đắk Lắk.