Đầu tư
Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp: Thêm động lực để Đồng Tháp tạo nên kỳ tích mới
Huy Tự - 23/02/2024 11:19
Tỉnh Đồng Tháp vừa công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, đây được coi là bước ngoặt có ý nghĩa rất quan trọng, một xung lực mạnh để Đồng Tháp tiếp tục tạo ra kỳ tích mới về phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển hài hòa 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp, là cơ hội để lan toả về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Đồng Tháp mà còn các tỉnh ĐBSCL.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Lê công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước, đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 898 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.

Là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước; là "đất sen hồng" của miền Tây với diện tích 3.382 km2 (thứ 40/63 cả nước), dân số gần 1,7 triệu người. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng; người dân Đồng Tháp chân chất, thật thà, đoàn kết, nghĩa tình, yêu quê hương, đất nước, có ý chí vượt khó vươn lên.

Đồng Tháp có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận; là địa danh nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội mang nét độc đáo và riêng biệt.

Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực, mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL…

Theo Quyết định 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển hài hòa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: Cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Quy hoạch tỉnh định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn, lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Đến năm 2050 là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với các nước tiểu vùng sông Mêkong, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Trọng tâm đột phá là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhất là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thủy sản chất lượng cao gắn với nông nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Cao Lãnh trở thành trung tâm trao đổi hàng hóa nông sản cấp vùng.

Phát triển các chuỗi đô thị gắn với các vùng, hành lang kinh tế động lực của tỉnh, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, thúc đẩy dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, hợp tác với Vương quốc Campuchia. Liên kết các tỉnh Long An, Tiền Giang xây dựng dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa và khai thác hiệu quả tài nguyên nông nghiệp, du lịch.

Chia sẻ tại Lễ công bố quy hoạch Đồng Tháp vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh về đi đầu trong các mô hình hay cách làm mới và sáng tạo của Đồng Tháp trong phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, và kinh tế hợp tác; cải cách thủ tục hành chính thông thoáng minh bạch và xây dựng chính quyền thân thiện kết nối,… được Chính phủ, công đồng doanh nghiệp và người dân đồng tình và đánh giá cao, là hình mẫu để nhiều địa phương trên cả nước học tập kinh nghiệm và chia sẻ trong thời gian qua.

Quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo. Phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả. Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

6 nhóm giải pháp trọng tâm để Đồng Tháp triển khai hiệu quả Quy hoạch

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố, Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp là sự kiện quan trọng để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, tổng thể hơn về tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển của tỉnh Đồng Tháp, cũng như đóng góp và đề xuất kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Đồng Tháp phát triển trong tương lai.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu các giải pháp trọng tâm đưa Đồng Tháp triển khai hiệu quả bản quy hoạch 

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Đảng bộ và chính quyền Đồng Tháp tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính để thực hiện hiệu quả Bản quy hoạch tỉnh.

Thứ nhất, Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, công bố, công khai rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh.

Thứ ba, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Đồng Tháp với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối; phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử.

Thứ tư, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ năm, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Đồng Tháp.

Thứ sáu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Tin liên quan
Tin khác