Báo cáo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua (với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa) cho thấy, đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp và 46 cụm công nghiệp mới, mở rộng 3 cụm công nghiệp đã có. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, tổng diện tích các khu công nghiệp thành lập mới trong thời kỳ 2021 - 2030 sẽ gấp 1,3 lần diện tích hiện nay, diện tích các cụm công nghiệp thành lập mới gấp hơn 5 lần diện tích hiện nay.
Các con số trên phần nào thể hiện quyết tâm của Nam Định, khi xác định phát triển công nghiệp là một trong 4 đột phá các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Kế hoạch tham vọng này nếu thành công, sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định là cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và là điểm kết nối giao thương hàng hóa dịch vụ và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại.
Tuy nhiên, để làm được điều này là không dễ. Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Nam Định đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh chỉ ra rằng, quá trình phát triển của Nam Định có nhiều điểm nghẽn khi GRDP chỉ là 6,6% trong giai đoạn 2011 - 2020; cơ cấu kinh tế mất cân đối, độ mở liên kết vùng thấp, không thu hút được đầu tư có chất lượng, quy mô kinh tế dậm chân tại chỗ...
Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cũng thừa nhận, ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng ở mức khá nhưng không có đột phá. Dù ngành này có bề dày phát triển, nhưng quy mô còn nhỏ, trình độ khoa học công nghệ chưa cao, ít doanh nghiệp có quy mô lớn.
Làm rõ hơn định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Nam Định, đơn vị tư vấn cho biết, quan điểm của tỉnh là phát triển các ngành có lợi thế, tham gia chuỗi sản phẩm quốc gia và toàn cầu, phát triển công nghệ cao và xanh, phát triển mở để thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48,5 - 49% tổng GRDP của tỉnh, đến năm 2030 đạt 53,5 - 54,5% và tầm nhìn đến 2050 là 48 - 50%.
Về phương hướng phát triển, Nam Định tiếp tục duy trì các lĩnh vực truyền thống như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, gia công kim loại, chế biến gỗ, công nghiệp thực phẩm, đồ uống… Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới như luyện thép, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản và dược liệu.
Đặc biệt, công nghiệp năng lượng tái tạo, gồm năng lượng gió, mặt trời, các nguồn năng lượng xanh không gây ô nhiễm, cũng là lĩnh vực mà Nam Định có rất nhiều tiềm năng. Tỉnh sẽ từng bước phát triển nguồn năng lượng sinh khối, với mục tiêu tận dụng các nguồn phế thải của nông nghiệp, làm sạch môi trường, tận dụng chi phí, từng bước hình thành nền kinh tế tuần hoàn.
Về không gian lãnh thổ, Nam Định sẽ tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bản sắc rõ ràng..., nhằm đảm bảo các nguyên tắc: gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung có phân tán, phù hợp với môi trường và an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Theo đó, tỉnh định hướng phát triển 4 trung tâm đô thị gồm: Đô thị trung tâm tỉnh (TP. Nam Định và Thị trấn Mỹ Lộc); Đô thị Cao Bồ; Đô thị Rạng Đông -Thịnh Long và Đô thị Giao Thủy (Thị trấn Ngô Đồng, đô thị Đại Đồng). 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (TP. Nam Định - Cao Bồ); Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); Hành lang quốc lộ ven biển (Ninh Bình - Rạng Đông - Giao Thủy - Thái Bình); Hành lang TP. Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy; Hành lang Cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh.
Đánh giá cao báo cáo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, các chuyên gia phản biện cho rằng, với kịch bản phát triển mà tỉnh lựa chọn là phát triển nhanh và bền vững, Quy hoạch tỉnh Nam Định cần làm rõ hơn nội hàm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời lưu ý việc cân bằng giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội và môi trường.