Có 9/14 mặt hàng có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD có kim ngạch nhập khẩu sụt giảm so với cùng kỳ 2019, trong đó ô tô giảm 24,4%. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%.
Dễ dàng nhận thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã tác động mạnh đến kim ngạch nhập khẩu của nhiều nhóm hàng nguyên liệu chủ lực của nhiều ngành sản xuất trong 3 tháng qua, khiến cho phần lớn đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, quý I, có 14 mặt hàng nhập khẩu 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch gia tăng là Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; Điện thoại và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, tăng 14,1%; Sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 8,1%; Sản phẩm hóa chất đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,7%; Dầu thô đạt 1,5 tỷ USD, tăng 67,9%.
Mặt hàng có mức chi nhập khẩu tỷ USD sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, gồm: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, giảm 8,6%; Vải đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,7%; Chất dẻo đạt 2 tỷ USD, giảm 6,1%; Sắt thép đạt 1,9 tỷ USD, giảm 16%; Ô tô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 24,4%; Kim loại thường đạt 1,4 tỷ USD; giảm 7,9%; Hóa chất đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9%; Nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,1 tỷ USD, giảm 14,5%; Xăng dầu đạt 1,02 tỷ USD, giảm 17,6%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu trong quý I đạt 13,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 7,2 tỷ USD, giảm 8,3%. Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, tăng 15,8%. Thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,2%. Hoa Kỳ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 13%.