Có thể thấy, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý vừa qua đạt mức tăng trưởng cao. Nếu như tốc độ tăng trưởng trong quý I/2022 đạt mức 14,2% thì quý I/2023 đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều là 19,41%.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý I/2023 cũng bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022.
Mặt khác, nguồn kiều hối chuyển về từ châu Á (khu vực ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chuyển về TP. HCM trong quý I, chiếm 43%, đồng thời tăng khoảng 84% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này góp phần giúp kiều hối trong quý I/2023 tăng trưởng cao, mặc dù tại các khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại dương kiều hối chuyển về giảm do điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát tăng.
Ngoài ra, việc kiều hối gửi về TP. Hồ Chí Minh trong quý vừa qua tăng trưởng 19,41% là kết quả tích cực trong bối cảnh hiện nay. Nguồn lực này sẽ cùng với các nguồn vốn khác từ nền kinh tế, góp phần vào phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ cũng như tham gia vào các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Đồng thời, đây cũng là điểm sáng phản ánh môi trường đầu tư của đất nước ngày càng thuận lợi, cho thấy sự quan tâm và lòng yêu nước của kiều bào, sự chịu khó và tích lũy của người lao động Việt Nam tại nước ngoài…
Trước đó, số liệu vừa được công bố chính thức cho thấy, lượng kiều hối gửi về TP. HCM năm 2022 đạt 6,603 tỷ USD. Trong hai năm gần đây, những khó khăn do đại dịch, do khủng hoảng kinh tế, do xung đột địa chính, do lạm phát… trên thế giới được phản ánh rất rõ qua sự biến động của nguồn kiều hối chuyển về qua từng năm.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, năm 2022, lượng kiều hối chuyển về chỉ tính riêng trên địa bàn TP. HCM đạt 6,603 tỷ USD (số liệu chính thức), giảm 6,67% so với năm 2021.
Nguyên nhân chính chủ yếu là do khó khăn kinh tế của một số quốc gia và khu vực kinh tế, xuất phát từ xung đột địa chính trị, giá dầu mỏ tăng cao, lạm phát và suy giảm kinh tế… Tất cả các yếu tố này tác động trực tiếp đến thu nhập, đến tích lũy và tiết kiệm của kiều bào, của người lao động, làm giảm lượng kiều hối chuyển về trong năm.
Còn tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 và đạt gần 19 tỷ USD. Cụ thể, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam - đất nước được đánh giá xứng đáng vươn tới vị thế “con hổ mới châu Á” - tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.
Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Báo cáo trên nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.
Theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.
Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD, nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, đây là nguồn lực từ tích lũy, từ tiết kiệm và thu nhập của kiều bào, của người lao động nước ngoài gửi về.
Vì vậy, ngoài yếu tố cơ chế chính sách về ngoại hối; về lao động nước ngoài; về môi trường cũng như mạng lưới và dịch vụ chi trả, thì kiều hối còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và khu vực trên thế giới nơi kiều bào sinh sống, người lao động làm việc.
Các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với kiều bào và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khơi dòng kiều hối.