Ngân hàng
Năm 2022 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 6,8 tỷ USD
T.V - 23/12/2022 16:52
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, năm 2022 lượng kiều hối chuyển về ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD, giảm khoảng 0,3 tỷ USD so với năm 2021.

Song theo ông Lệnh, đặt trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn, do lạm phát, do đồng tiền mất giá, suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động tại các quốc gia này bị ảnh hưởng, thì việc kiều hối chuyển về trong năm 2022 đạt mức này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng.

Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng thế Giới (World Bank –WB) và KNOMAD thực hiện đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.

Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam dự báo có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6 - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế và lạm phát toàn cầu tăng cao trong năm 2022 nên lượng kiều hối được dự báo đổ về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình năm nay sẽ tăng 5% so với năm ngoái lên 626 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,2% ghi nhận trong năm 2021.

Với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn đối với hiệu quả chính sách, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW).

Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội, thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là: không phải hoàn trả; không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, trở thành “nguồn lực vàng” cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này.

Cũng theo ông Lệnh, nguồn kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về, vì vậy trước hết phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân hay xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống... Tất cả, đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Với ý nghĩa này, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (dự ước năm 2022 đạt trên 434 nghìn tỷ đồng), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 6,8 tỷ USD là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Và nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay trên địa bàn thì nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn vốn không nhỏ.

Nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2022 là nguồn thu ngoại tệ, do vậy góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Trung ương, đặc biệt trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá; tăng lãi suất là không nhỏ, khi áp lực lạm phát gia tăng và các đồng tiền tại một số quốc gia  trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022.

Theo số liệu dự ước, kiều hối chuyển về TP. HCM năm 2022  mặc dù giảm so với năm 2021 song theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước -TP.HCM, trong điều kiện thu nhập của người dân, của kiều bào cũng như của người lao động ở nước ngoài bị giảm sút, như phân tích ở phần trên, đây vẫn là nguồn lực quan trọng, nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội thành phố.

Vì thế, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, cũng như tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương đối với kiều bào, đối với chính sách ngoại hối, hoạt động chi trả ngoại tệ… 

Tin liên quan
Tin khác