Ngân hàng
Quý I/2024, Eximbank chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu lợi nhuận cả năm
Vân Linh - 28/04/2024 08:17
Eximbank (mã: EIB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, với lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu năm.

Thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong quý đầu năm khi tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.358 tỷ đồng. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 24%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 58%, đồng thời lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 24 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác giảm 46%.

Tuy chi phí hoạt động đã được Eximbank tiết giảm 10%, chỉ còn gần 635 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, song lợi nhuận thuần của Eximbank vẫn giảm 2%, còn gần 943 tỷ đồng. Trong I/2024, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ. Kết quả, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với quý cùng kỳ.

Quý I/2024, Eximbank chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Năm 2024, Eximbank đặt mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng; huy động vốn tăng thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng cho cả năm 2024 vừa được ĐHĐCĐ thông qua sáng 26/4, kết thúc 3 tháng, Eximbank chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu. 

Mục tiêu năm 2024 đưa ra ở mức 5.180 tỷ đồng và được cổ đông chất vấn là khá tham vọng khi tăng trưởng đến 90% so với năm rồi. Tuy nhiên, Eximbank cho biết, tôn chỉ của HĐQT và ban điều hành là tự lực, tự cường, tự trọng và tự hào, còn nếu không hoàn thành ban điều hành cũng sẽ chịu trách nhiệm.

Trả lời cổ đông vế kế hoạch kinh doanh 2023 không hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2023 giao (năm 2023, Eximbank cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng trước thuế, nhưng chỉ đạt 54%), trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng thế nào? Quyền Tổng giám đốc Eximbank, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: "Quan điểm là chúng tôi không đạt nghĩa là không đạt chứ không có lý do gì cho chuyện đó cả. Về phần trách nhiệm, ban lãnh đạo ngân hàng tự nhận trách nhiệm cho việc không hoàn thành là do lãnh đạo là chính. Các phần thưởng và thu nhập cho việc này thì chúng tôi không nhận cho phần năm 2023", ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho hay, năm 2023 là một năm khó khăn, một số ngân hàng vẫn có kết quả tích cực so với Eximbank. Eximbank là ngân hàng lành mạnh với cơ cấu cổ đông không cô đặc. Nhưng Ngân hàng luôn đặt mục tiêu an toàn hàng đầu, yếu tố hiệu quả đứng thứ hai. Kết quả 2023 chững lại so với năm trước đó. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2024 thừa hưởng nền tảng từ vững chắc an toàn, các biện pháp tối ưu hóa chi phí thì kế hoạch 2024 rất khả thi.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Eximbank xấp xỉ đầu năm ở mức 203.584 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên mức 147.021 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 160.659 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến hết quý I/2024 của Eximbank là 4.203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%.

HĐQT Eximbank thông qua nghị quyết chính thức bầu ông Nguyễn Cảnh Anh, thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay bà Đỗ Hà Phương kể từ ngày 26/4. Song song đó, bà Đỗ Hà Phương và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank. Như vậy, sau các nghị quyết của HĐQT Eximbank vừa công bố, ngân hàng này sẽ có Chủ tịch là ông Nguyễn Cảnh Anh và 4 Phó chủ tịch gồm: Ông Trần Tấn Lộc, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam.

Tin liên quan
Tin khác