Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, DKRA Vietnam. |
Ông đánh giá thế nào về nguồn cung, sức cầu và khả năng hấp thu của thị trường bất động sản quý II/2020?
Một số dự án theo kế hoạch có thể được đưa ra thị trường trong quý I, nhưng đã phải lùi sang quý II/2020. Nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài, thị trường sẽ vẫn bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động khác cũng bị đình trệ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát. Nếu điều này xảy ra trong khoảng 1 - 2 tháng nữa (khoảng cuối quý II đến đầu quý III), các hoạt động của thị trường bất động sản sẽ từng bước trở lại bình thường như trước. Hiện nay, một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị và có thể kịp đưa ra thị trường vào đúng thời điểm đó.
Phân khúc và dòng sản phẩm nào sẽ chiếm lĩnh thị trường quý II, thưa ông?
Phân khúc căn hộ vẫn là sản phẩm chủ đạo của thị trường. Đặc biệt, căn hộ hạng B với mức giá 30 - 40 triệu đồng/m2 hoặc căn hộ có giá trị trên dưới 2 tỷ đồng/căn sẽ là sự lựa chọn của đa số người mua.
Cuộc khủng hoảng về dịch bệnh Covid-19 liệu có là cơ hội cho người mua nhà không?
Điều đó tùy vào điều kiện của mỗi người. Với những người có tiềm lực tài chính, đây đúng là cơ hội tốt để lựa chọn được sản phẩm ưng ý và giảm bớt sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, họ còn có thể nhận được những ưu đãi của chủ đầu tư (các chính sách này tùy thuộc vào sự chuẩn bị và năng lực của chủ đầu tư đối với từng loại hình bất động sản mà người mua quan tâm tìm hiểu).
Thị trường sẽ lạc quan trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. |
Để vượt qua giai đoạn trầm lắng này, theo ông, ngành bất động sản cần làm gì?
Tình hình thị trường hiện tại có thể ví như một người đang nghỉ chân, tranh thủ “xốc” lại hành lý. Đây cũng là thời điểm tốt để Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản; rà soát lại các cơ chế để thay thế/sửa đổi những điểm không phù hợp, đồng thời đưa ra các biện pháp mạnh để nâng cao tính minh bạch, nghiêm minh của thị trường.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.
Theo ông, cần có những đòn bẩy nào từ Chính phủ để khôi phục thị trường và hoạt động của doanh nghiệp sau cơn khủng hoảng pháp lý và dịch bệnh?
Đầu tiên luôn là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, thuế để giảm bớt khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Tôi đã thấy có một số kiến nghị hoãn hoặc giảm thuế, các nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ nguồn vốn cho người mua…
Tiếp theo là những cơ chế chính sách để phát triển sau này, để nguồn cung mới được dồi dào hơn, đáp ứng nhu cầu người mua, cũng như để mức giá phần nào ổn định hơn.
Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực của chính mình và linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường.