Trong quý II/2022, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 3.472,95 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 24,92 tỷ đồng, giảm 57,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận gộp tăng 69,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 130,24 tỷ đồng lên 317,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 1,7%, tương ứng tăng thêm 0,41 tỷ đồng lên 24,13 tỷ đồng; chi phí tài chính bất ngờ tăng 748,3%, tương ứng tăng thêm 188,27 tỷ đồng lên 213,43 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 11,2%, tương ứng giảm 12,27 tỷ đồng về 96,87 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Petrosetco cho biết thêm nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh trong quý II chủ yếu do trích lập dự phòng đầu tư kinh doanh chứng khoán ngắn hạn.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 8.288,7 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 113,66 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Petrosetco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 33,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Được biết, năm 2021, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng cũng tạo ra một cơ hội kinh doanh thuận lợi với Petrosetco, khi người dân đổ xô mua laptop, điện thoại thông minh, máy tính để làm việc và học tập tại nhà. Đây cũng là động lực chính giúp hãng chuyên phân phối thiết bị điện tử này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.
Tuy nhiên, nhìn bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong quý II, lợi nhuận Công ty lại đang lao dốc tương đối mạnh, điều này cho thấy dấu hiệu Công ty đã đi qua thời điểm thuận lợi nhất.
Thêm nữa, xét về yếu tố kỹ thuật, từ 1/4 đến 6/7, cổ phiếu PET đã giảm 55% từ 67.300 đồng về 30.500 đồng/cổ phiếu, mức giảm lớn hơn 20% và theo lý thuyết, cổ phiếu PET đã bước vào chu kỳ giảm giá kéo dài. Được biết, giai đoạn tháng 10/2020, cổ phiếu PET chỉ giao dịch vùng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá hiện tại vẫn cao hơn rất nhiều mức giá cổ phiếu trước khi tăng.
Thêm nữa, xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Petrosetco ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 775,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 144,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 327,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 230,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Được biết, cổ phiếu Petrosetco niêm yết từ năm 2007 tới nay. Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như 6 tháng đầu năm, giá trị âm lớn nhất là năm 2013, Công ty ghi nhận dòng tiền âm 698 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Petrosetco giảm 1,2% so với đầu năm về 8.387,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.703,1 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.138,9 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.948,9 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tồn kho tăng 47,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 691,8 tỷ đồng lên 2.138,9 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 21,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 546 tỷ đồng về 1.948 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 9,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 289,9 tỷ đồng về 2.703,1 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II, giá trị chứng khoán kinh doanh là 582,3 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng lên tới 171,8 tỷ đồng, bằng gần 30% tổng danh mục. Mặc dù vậy, Công ty không thuyết minh chi tiết danh mục đầu tư cổ phiếu. Được biết, giá trị gốc đầu tư chứng khoán đầu năm là 231,6 tỷ đồng, tới cuối quý II là 582,3 tỷ đồng (tăng 350,7 tỷ đồng). Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Danh mục đầu tư cổ phiếu của PET tính tới 31/12/2021 (Nguồn: BCTC). |
Trước đó, tính tới 31/12/2021, Petrosetco có thuyết minh đầu tư 231,6 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán. Trong đó, 27,8 tỷ đồng vào cổ phiếu GEX; 25,8 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX; và 178 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.
Nếu như danh mục không thay đổi, hai cổ phiếu GEX và VIX là hai cổ phiếu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, nhiều khả năng việc đẩy mạnh mua thêm cổ phiếu và cổ phiếu tiếp tục giảm là nguyên nhân chính dẫn tới Công ty phải trích lập tới 171,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 6,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 242,9 tỷ đồng lên 3.898,9 tỷ đồng và chiếm 46,5% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu PET giảm 500 đồng về 33.800 đồng/cổ phiếu.