Trong quý II/2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu đạt 1.559,9 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 10,64 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,2% lên 27,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 43,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 130,86 tỷ đồng lên 430,68 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 40 lần, tương ứng tăng thêm 3.051,84 tỷ đồng lên 3.128,11 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 298,6%, tương ứng tăng thêm 437,16 tỷ đồng lên 583,56 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 13,62 lần, tương ứng tăng thêm 1.570,5 tỷ đồng lên 1.685,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ kỷ lục 1.838,68 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 38,12 tỷ đồng.
Cơ cấu chi phí quản lý doanh nghiệp của SJG trong quý II (Nguồn: BCTC). |
Công ty cho biết thêm chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến nguyên nhân chủ yếu do ghi nhận dự phòng nợ phải thu khó đòi 1.536,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 8,3 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.528,4 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi âm, Công ty chỉ thoát lỗ bằng việc ghi nhận doanh thu tài chính đột biến.
Công ty không thuyết minh chi tiết cơ cấu doanh thu tài chính đột biến mà chỉ ghi lý do biến động do ghi nhận thu nhập từ thoái vốn khoản đầu tư.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu đạt 2.443,2 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.086,4 tỷ đồng, tăng 10,24 lần so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Sông Đà đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 6.830 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 418 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.304,3 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 312% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 32,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 184,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 2.508,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 513,7 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Sông Đà tăng 4,6% so với đầu năm lên 25.565,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 8.576,7 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 5.687 tỷ đồng, chiếm 22,2% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.716,5 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 2.220,2 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 761,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.168,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 23,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.757,9 tỷ đồng về 5.687 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư Công ty liên doanh, liên kết tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC). |
Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, công ty đã ghi giảm số tiền đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS – sàn HoSE) từ 872 tỷ đồng về o đồng.
Trước đó, ngày 19/4/2022, Tổng công ty Sông Đà đã bán ra toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS để giảm sở hữu từ 36,65% về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không sở hữu tại công ty. Ngược lại, CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát lại mua vào 41,7 triệu cổ phiếu SJS để nâng sở hữu từ 0% lên 36,65% vốn điều lệ.
Được biết, giá đấu giá là 102.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ước tính Tổng công ty Sông Đà đã thu được 4.258 tỷ đồng, cao hơn 3.386 tỷ đồng so với tổng giá trị vốn đầu tư tính tới 31/3/2022.
Số tiền đấu giá thành công tại Sudico cũng tương đương với số tiền doanh thu tài chính đột biến trong quý II. Như vậy nhiều khả năng Tổng công ty Sông Đà có lãi do thoái vốn tại Sudico.
Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 4% so với đầu năm, tương ứng giảm 401,7 tỷ đồng về 9.667,5 tỷ đồng và chiếm 37,8% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu SJG tăng 2.100 đồng lên 29.500 đồng/cổ phiếu.