Kết thúc khoản đầu tư tại Thế giới Di động
Quỹ MEF II vừa hoàn thành việc rút nốt phần vốn cuối cùng tại Thế giới Di động. Tính chung, tổng số tiền từ các khoản thoái vốn tại Thế giới Di động và cổ tức mà Quỹ MEF II nhận được là 199,4 triệu USD. Như vậy, với khoản đầu tư ban đầu là 3,5 triệu USD vào năm 2007, sau hơn 10 năm, khoản đầu tư này của MEF II đạt tỷ suất lợi nhuận 57 lần.
Tổng số tiền từ các khoản thoái vốn tại Thế giới Di động và cổ tức mà Quỹ MEF II nhận được là 199,4 triệu USD |
Theo đại diện của Mekong Capital, khi Quỹ đầu tư vào Thế giới Di động, công ty này chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty chỉ 10 triệu USD. Mục tiêu ban đầu của Quỹ khi đầu tư vào Thế giới Di động là số cửa hàng của Thế giới Di động tăng lên con số 50 và giá trị công ty tăng lên 50 triệu USD.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Thế giới Di động trong hơn 10 năm qua đã vượt xa kỳ vọng ban đầu của MEF II. Đến nay, Thế giới Di động đã phát triển lên hơn 2.000 cửa hàng, với 4 thương hiệu bán lẻ khác nhau: thegioididong.com, Điện máy XANH, Bách hóa XANH và vuivui.com. Gần đây, Thế giới Di động cũng đã hoàn tất việc mua lại chuỗi bán lẻ thiết bị kỹ thuật số Trần Anh và chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang.
Sau khi Thế giới Di động được niêm yết, MEF II tiến hành bán dần cổ phần cho các nhà đầu tư tổ chức theo định kỳ hàng quý. Khối lượng 5 triệu cổ phiếu cuối cùng được bán với mức giá 165.000 đồng/cổ phiếu và đã được hoàn tất vào ngày 29/1/2018.
Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết, Quỹ MEF II ra mắt vào năm 2006 và có thời hạn hoạt động 12 năm, nên Quỹ cần hoàn tất việc thoái vốn đối với các khoản đầu tư còn lại trong nửa đầu năm 2018. Tuy nhiên, ông Chris Freund cũng tiết lộ rằng, Mekong Capital có thể sẽ hợp tác cùng Thế giới Di động theo một hướng khác trong tương lai.
Đo sức khỏe khoản đầu tư cuối cùng của Quỹ MEF II
Trong thời gian hơn 10 năm hoạt động, Quỹ MEF II đã thực hiện tổng cộng 10 khoản đầu tư. Sau khi thoái vốn khỏi Thế giới Di động, khoản đầu tư cuối cùng còn lại là tại Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu (ACC).
ACC là công ty phân phối nguyên liệu và phụ gia chất lượng cao trong các lĩnh vực: thực phẩm và nước giải khát, thủy hải sản, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bánh kẹo và các ứng dụng công nghiệp. Quỹ MEF II bắt đầu đầu tư vào công ty này từ tháng 4/2011 và từ thời điểm đó đến nay, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt khoảng 20%/năm.
Theo báo cáo tài chính riêng quý IV/2017 của ACC, tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2017 đạt 1.392 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 1.036 tỷ đồng, tăng 158 tỷ đồng so với năm trước đó. Giá trị nợ phải trả khá thấp, chỉ đạt 356 tỷ đồng, tăng 122 tỷ đồng so với năm 2016. Nhưng điều đáng chú ý, phần lớn nợ là nợ ngắn hạn, với 355 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản chậm trả cho các nhà cung cấp sản phẩm đầu vào. Vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá thấp, chỉ khoảng 56 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2017, ACC đạt tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 2.189 tỷ đồng, tăng gần 290 tỷ đồng so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm trước đó.
Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy, lợi nhuận năm vừa qua của ACC tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2017 bị âm 13,6 tỷ đồng, trong khi dòng tiền năm 2016 dương tới 289 tỷ đồng. Dòng tiền của Công ty trong năm 2017 bị âm chủ yếu do doanh nghiệp bị “ngập” lượng vốn khá lớn trong các khoản phải thu và hàng tồn kho.