Theo Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD. |
Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng. Theo báo cáo vừa được Bộ Công thương công bố, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Đại dịch đã thúc đẩy gia tăng đáng kể thương mại điện tử, ghi nhận mức tăng trưởng 16% vào năm ngoái. Năm 2021, doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, trong khi mưc doanh thu của 2015 mới chỉ 5 tỷ USD.
Trong năm 2022, Bộ Công thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương; Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh; Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình; Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu.
Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT B2B, B2B2C.
Hiện, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống.