Tại văn bản số 1914/BHXHVN-CSYT ngày 23/6, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam viện dẫn, ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở được áp dụng từ ngày 1/7/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.800.000 đồng.
Ảnh minh hoạ. |
Theo đó, các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có căn cứ tính là mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, như chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở, số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, các mức thanh toán trực tiếp.
Và Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở) sẽ được điều chỉnh thay đổi kể từ ngày 1/7/2023.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện nay, chưa có hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên trong giai đoạn chuyển tiếp. Để đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế sớm hướng dẫn việc áp dụng thành toán đối với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có căn cứ tính là mức lương cơ sở của người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1/7/2023 nhưng ra viện hoặc kết thúc điều trị từ ngày 1/7/2023.
Nói về sự tác động của việc tăng lương cơ sở với công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo bệnh viện đa khoa trên địa bàn Hà Nội cho rằng quyền lợi của người bệnh sẽ tăng lên.
Chẳng hạn, trường hợp người bệnh được hưởng thanh toán cho vật tư y tế tối đa là 45 tháng lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.0000 đồng, đồng nghĩa với việc người bệnh được chi trả tăng lên rất nhiều.
“Trong trường hợp bệnh nhân muốn thực hiện kỹ thuật trong ngày 30/6, chúng tôi sẽ khuyên bệnh nhân đợi đến ngày 1/7 mới thực hiện kỹ thuật để tăng quyền lợi cho người bệnh”, vị này cho phóng viên biết.
Về thời điểm ban hành hướng dẫn áp dụng thanh toán đối với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi mức lương cơ sở được điều chỉnh, trao đổi với phóng viên chiều 30/6, bà Trần Thị Trang, quyền quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho hay, chiều nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng.
Hy vọng việc ban hành văn bản này của Bộ Y tế sẽ kịp thời để đảm bảo công tác khám chữa bệnh của bệnh nhân được xuyên suốt, kịp thời, tránh khiến cơ sở y tế lúng túng và bản thân người bệnh cũng bị ảnh hưởng quyền lợi.
Được biết, về mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm d và đ khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì chi phí cho một lần khám chữa bệnh sẽ thấp hơn 15% mức lương cơ sở: Tương đương thấp hơn 270.000 đồng.
Số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở: Tương đương lớn hơn 10.800.000 đồng.
Về mức thanh toán trực tiếp theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì tại điểm a khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở: Tương đương tối đa không quá 270.000 đồng.
Tại điểm b khoản 1, số tiền tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở: Tương đương tối đa không quá 900.000 đồng.
Tại khoản 2, số tiền tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở: Tương đương tối đa không quá 1.800.000 đồng.
Tại khoản 3, số tiền tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở: Tương đương tối đa không quá 4.500.000 đồng.
Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Trường hợp người bệnh vào viện từ ngày 1/7/2023 thì tương đương không vượt quá 81.000.000 đồng.
Trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1/7/2023 nhưng ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị từ ngày 1/7/2023 mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật được xác định theo thời điểm kết thúc dịch vụ kỹ thuật.
Cụ thể: Trước ngày 1/7 áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 38, tương đương không vượt quá 67.050.000 đồng; Từ ngày 1/7, áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 38, tương đương với 81.000.000 đồng.
Từ ngày 1/7/2023 và trường hợp người bệnh vào viện hoặc bắt đầu đợt điều trị trước ngày 1/7/2023 nhưng ra viện hoặc kết thúc điều trị từ ngày 1/7/2023 thì số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở để xác định quyền lợi không cùng chi trả theo quy định tại điểm đ khoản 1, điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP lớn hơn số tiền được xác định như sau:
Như vậy, một bệnh nhân nếu sử dụng vật tư y tế mà được bảo hiểm y tế thanh toán mức 45 tháng lương cơ sở thì số tiền chênh lệch trước ngày 1/7 và từ ngày 1/7 là rất lớn, khoảng gần 14 triệu đồng.