Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 29/6: Nhiều kiến nghị về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
D.Ngân - 29/06/2023 09:03
Theo thống kê số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Đã có hơn 91,067 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân.

Bao phủ bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao

Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hiện chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận với những gói dịch vụ y tế chất lượng cao, thiết bị y tế kỹ thuật hiện đại, nhiều thuốc mới.

Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện.

TS. Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 20-NQ/TW đã chỉ rõ cầ tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu về bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95% dân số; 

Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%; nâng cao chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch, thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở y tế. 

Nhằm đạt được những mục tiêu và thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã để ra và giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện nay, TS. Nguyễn Đức Hòa cho rằng việc, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật mới được ban hành trong thời gian qua.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về bảo hiểm y tế; 

Tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân xét trên cả ba phương diện về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện cả nước có trên 91,067 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo…

Dù vậy, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập do những yếu tố mới phát sinh, các đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng tăng, đa dạng hơn. 

Cùng đó, một số vấn đề về cơ chế tài chính liên quan đến thanh quyết toán bảo hiểm y tế còn hạn chế, chưa tạo động lực cho người tham gia.

Hiện tại, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Thời gian gần đây, Ban soạn thảo, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều chính sách mới.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vị quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế;

Đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định bảo hiểm y tế; thứ năm là nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

90% ca ghép tạng là từ người cho sống 

Thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, từ năm 2014 mới có 265 người đăng ký hiến tạng, đến nay đã có 73.213 người (tính tới 20/6/2023) và đã có 7.498 ca ghép tạng thành công (tính tới 31/3/2023).

Số ca ghép tạng tại Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, hiện nay Việt Nam chưa thiết lập mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não; các tư vấn viên chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ thống nhất về chuyên môn, kỹ năng mềm và tư vấn tâm lý. 

Tại nhiều bệnh viện, chưa báo ca chết não tiềm năng với tư vấn viên. Hiện chưa có cơ chế phối hợp giữa các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu với nhóm tư vấn viên;

Chưa có quy trình sàng lọc, phát hiện bệnh nhân chết não tiềm năng chuẩn; chưa hình thành văn hóa hiến tạng tại bệnh viện. Các tư vấn viên hiện nay khó tiếp cận hồ sơ bệnh án người chết não tiềm năng, khó khăn trong việc tham vấn ý kiến bác sĩ, điều dưỡng.

Các diễn biến của người bệnh rất nhanh và phức tạp, vì vậy nhiều trường hợp không đủ thời gian để thực hiện các bước theo quy định. Bên cạnh đó, các tư vấn viên cũng chưa có quy trình chuẩn về tiếp cận gia đình người bệnh, thiếu kỹ năng giải đáp các thắc mắc, hiểu lầm… của người nhà người bệnh.

"Điều này chủ yếu do chưa có chương trình đào tạo cho tư vấn viên chuẩn. Ngoài ra, họ cũng gặp nhiều rào cản về mặt tâm linh khi thuyết phục gia đình hiến tặng mô tạng", PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.

Cảnh báo tắc ruột do bã thức ăn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp cấp cứu trong tình trạng chướng bụng và đau quặn. Người bệnh nữ 40 tuổi (địa chỉ tại Việt Trì, Phú Thọ) có tiền sử ung thư dạ dày, từng điều trị hóa chất một đợt rồi từ chối điều trị, chuyển sang chế độ thực dưỡng và gần đây có ăn mít mật với số lượng nhiều. 

Rạng sáng 25/6/2023, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau quặn, bụng chướng, buồn nôn. Qua thăm khám và kết quả chụp CT ổ bụng xác định chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn (nghĩ đến do ăn mít).

Bệnh nhân được chỉ định đặt sonde dạ dày, truyền dịch, dinh dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch, sử dụng thuốc giúp mềm thức ăn, dễ dàng tiêu hóa kết hợp giảm đau. 

Đến buổi chiều cùng ngày, sau thời gian theo dõi thấy tình trạng không có tiến triển, thức ăn cứng không vượt qua đoạn ruột bị tắc, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã hội chẩn và quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. 

Thạc sĩ Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp chia sẻ, với phương pháp phẫu thuật mở ổ bụng nhằm tiếp cận và giải phóng vùng bị tắc ruột do bã thức ăn. Khối thức ăn khiến đoạn ruột bị tắc đóng đặc, chặn lưu thông bình thường của đường tiêu hóa.

Sau gần 2 tiếng phẫu thuật các bác sĩ đã lấy hoàn toàn bã thức ăn, tạo lại sự lưu thông của đường tiêu hóa. Đáng lưu ý, bệnh nhân này từng phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị ung thư dạ dày 2 năm trước. 

Do đó, khả năng co bóp, nghiền nát thức ăn của dạ dày không hiệu quả, khi ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như mít, măng… đã tạo gánh nặng lên hệ tiêu hóa, kết quả là bã thức ăn bị đẩy xuống ruột non gây ứ đọng và bị nén chặt cứng dẫn tới tắc ruột. 

Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định và được hồi phúc điện giải, dùng kháng sinh, tập ăn lại bằng đường miệng với thức ăn, dinh dưỡng dạng lỏng và đặc dần lên trong 07 ngày tiếp theo.

Về hiện tượng tắc ruột do bã thức ăn mít cùng với măng khô, ổi, rau muống…là những thực phẩm phổ biến với hàm lượng chất xơ cao. 

Do đó nếu ăn không đúng cách chính những thực phẩm này có thể tạo bã xơ đóng đặc, gây tắc ruột và nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là người cao tuổi (sức nhai kém), người đã phẫu thuật vùng bụng (như: cắt dạ dày…) hoặc có nhu động ruột, khả năng tiêu hóa kém,… 

Ths. Bs Trần Thanh Tùng chia sẻ thêm, tắc ruột do bã thức ăn nếu không được phát hiện và để lâu quá 24 tiếng đồng hồ, nạn nhân có thể bị vỡ ruột, hoại tử mô ruột, vùng nhiễm trùng lan rộng ra các bộ phận khác, gây ra sốc nhiễm trùng, nhiễm độc diễn tiến nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân nên sử dụng thức ăn được nấu chín, ninh nhừ; cần nhai kỹ và tránh ăn quá nhanh; hạn chế sử dụng thức ăn khó tiêu, thức ăn giàu chất xơ với lượng quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là khi bụng đói; uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt…

Tin liên quan
Tin khác