Thời sự
Quyền tự do kinh doanh: Vẫn chỉ là... kỳ vọng
Bảo Duy - 26/11/2015 08:30
40.880 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 30% so với cùng kỳ 2014. Đó là kết quả đếm được trong 5 tháng thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Như vậy, cả năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới có thể lên tới 94.000 doanh nghiệp - con số chưa từng có trong lịch sử phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Nhưng đây không phải là tất cả những gì mà giới đầu tư cần từ hai văn bản luật với nguyên tắc đột phá là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Sau 5 tháng, thói quen doanh nghiệp phải làm những gì pháp luật quy định vẫn đang lấn át, khiến  kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp về quyền tự do kinh doanh vẫn ở thế... kỳ vọng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khi nhìn nhận thực trạng 5 tháng thực thi hai luật trên, đã gọi đó là sự mong manh giữa tiến bộ và rào cản.  Sự mong manh này càng lớn khi áp lực thay đổi, cải cách lần này rơi nhiều vào phương thức quản lý nhà nước, nghĩa là tới công việc của từng công chức.  

.

Cũng dễ hiểu khi sự thay đổi chưa nhanh, khi từ ngày 1/7, khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có hiệu lực, áp lực công việc tại các cơ quan quản lý nhà nước tăng đột ngột. Chỉ riêng số lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh đã tăng tới 40%, trong khi thời gian xử lý giảm chỉ còn 3 ngày và số người không thay đổi đã khiến cơ quan đăng ký kinh doanh quá tải.

Với các cơ quan chuyên ngành, việc rà soát các điều kiện kinh doanh theo các nguyên tắc mới của Luật Đầu tư khá chậm trễ. Hệ quả là cam kết hoàn tất sớm danh mục các điều kiện kinh doanh của toàn bộ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, nhất là các quy định dành cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang trong giai đoạn... hoàn tất. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương phải thiết lập hệ thống giám sát và quản lý doanh nghiệp theo tinh thần phân luồng để quản lý, cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp dường như vẫn quá mới. Hầu như chưa có địa phương nào lên tiếng về công việc mới này...

Tất nhiên, những lúng túng ban đầu khi đưa tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vào thực tế có sự chần chừ, chưa dám thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các quy định về con dấu, về ngành nghề kinh doanh... Song, như ông Cung nhấn mạnh, vai trò của cơ quan nhà nước trong sự thay đổi này mang tính thúc đẩy, thậm chí là thay đổi “não trạng” -  cốt lõi của những thay đổi tiếp sau - bởi nguyên lý vẫn là “thể chế nào, doanh nghiệp, doanh nhân ấy”. Có thể thấy, chỉ khi nào, tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước chuyển nhanh theo hướng thị trường, tạo thuận đầu tư, kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Nếu không, cơ hội rộng lớn đến từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sau đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt cam kết mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại tự do... sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam bị choáng ngợp.

Cơ hội từ hội nhập là vô hạn, nhưng không chia đều. Kinh nghiệm tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã cho thấy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không đủ mạnh thì sẽ bị ra rìa, bị loại khỏi cuộc chơi dù Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Tin liên quan
Tin khác