Sau khi bị khởi tố vì xâm phạm bản quyền, phimmoi.net liên tục thay đổi tên miền website. |
Triệt phá quảng cáo vi phạm pháp luật
Ngày 9/1/2024, Công an tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án trình chiếu, phát tán phim mà không được sự cho phép của nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nhằm thu lợi bất chính qua hình thức quảng cáo trên website; khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phan Ngọc Tuấn (trú tại Quảng Bình), Ngô Quang Huy và Nguyễn Thành Nhân (cùng trú tại TP HCM).
Điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2019, Tuấn tìm mua mã nguồn mẫu của các website trình chiếu phim trên mạng, sau đó chỉnh sửa, tạo lập, điều hành 3 website gồm: “bilutvt.net”, “tvhayh.org”, “animefull.net” để trình chiếu, phát tán phim trái phép nhằm thu lợi bất chính qua hình thức quảng cáo trên website. Tuấn thuê Huy và Nhân làm nhân viên. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng, Tuấn thu được 80 - 100 triệu đồng tiền quảng cáo từ các website phát tán “phim lậu”.
Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về hành vi xâm phạm bản quyền liên quan đến website www.phimmoi.net (Phimmoi). Sau khi bị khởi tố, nhóm này liên tục thay đổi tên miền website.
Theo tiết lộ từ giới quảng cáo, giá quảng cáo banner của Phimmoi cao ngất ngưởng, vị trí thấp nhất là 150 triệu đồng/tuần, cao nhất lên tới 2 tỷ đồng/tuần. Ước tính, trong gần 10 năm kể từ khi thành lập trang web, doanh thu của Phimmoi có thể lên đến 1.800 tỷ đồng.
Tháng 11/2023, Công ty TNHH Truyền thông WPP (GroupM) bị xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng do tiếp tục có vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể, GroupM đã có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty Procter & Gamble Việt Nam và Công ty Unilever Việt Nam vào kênh mạng xã hội YouTube, có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại Luật An ninh mạng. Đây là lần thứ 3 trong năm 2023, GroupM bị xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng hành vi.
Có thể thấy, phát hành phim vi phạm bản quyền và thu tiền quảng cáo trái phép là tình trạng nhức nhối hiện nay. Ngày 2/1/2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công bố danh sách 403 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong năm 2023, đề nghị không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các website này. Trong đó, có 6 website của “Xôi lạc TV” - trang chuyên phát lậu các giải thể thao quốc tế từ năm 2016, được phát triển bởi một nhóm ẩn danh.
Đây là kết quả của việc triển khai các biện pháp điều hướng dòng tiền quảng cáo xuyên biên giới vào các cơ quan báo chí chính thống, các nền tảng nội dung số, website, các kênh, tài khoản đã được cấp phép. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (“White List”) và khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong “White List” nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Vi phạm sẽ không còn đất sống
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới chưa chủ động có bộ lọc để chặn, gỡ từ hệ thống các nội dung, quảng cáo vi phạm, trong khi việc chặn, gỡ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam chưa thể là giải pháp căn cơ, lâu dài vì “rác” trên mạng được sản sinh liên tục.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực thông tin điện tử, đặc biệt là siết chặt kiểm soát đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về giải pháp ngăn chặn các website vi phạm, luật sư Phạm Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) chia sẻ, hiện nay, cơ quan nhà nước đang thực thi việc chặn đuổi, mất nhiều thời gian, nhưng tới đây sẽ sử dụng công nghệ để chặn tự động. Theo đó, tất cả tên miền có vi phạm được đưa vào hệ thống mà đổi sang tên miền mới, thì hệ thống sẽ chủ động chặn tiếp.
Từ góc độ pháp lý, theo ông Nguyễn Thanh Đảo, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cần sửa đổi, ban hành các quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội trong Luật Quảng cáo, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai trái trên mạng xã hội, từ đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể quảng cáo theo hướng chuẩn mực.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, triển khai đồng bộ, kết hợp nhiều giải pháp kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực về nhân sự, công nghệ để thực hiện giám sát, phát hiện và tăng cường xử lý kịp thời các vi phạm trên không gian mạng.
Bộ cũng sẽ tăng cường rà quét và xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng, nhất là các nền tảng phát hành quảng cáo xuyên biên giới; công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm, bao gồm website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.
Đặc biệt, việc quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng sẽ được siết chặt, song hành cùng tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp quảng cáo thường xuyên vi phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã khóa 147 tài khoản, 54 nhóm trên Facebook, 22 kênh YouTube (chứa khoảng 32.000 video), 246 tài khoản TikTok thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.