Công tác cán bộ vốn là vấn đề luôn được Đảng đặc biệt quan tâm, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, công tác cán bộ còn được chú ý và quan tâm sát sao hơn, bởi nó được bàn trong bối cảnh dư luận đang rất bức xúc trước nhiều sự vụ nghiêm trọng xuất phát từ công tác cán bộ, liên quan đến công tác cán bộ.
Đó có thể là chuyện diễn ra từ nhiều năm, như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, lại tiến một mạch lên những chức vụ ngày càng cao ở Bộ Công thương, tới Phó chủ tịch một tỉnh và thậm chí, còn trở thành đại biểu Quốc hội, mang tư cách người đại diện cho dân. Đó là chuyện con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với đà thăng tiến chóng mặt mà dư luận chỉ ra có là nhiều điểm bất thường ở Sabeco - một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô hàng đầu do bộ này quản lý.
. |
Đó là câu chuyện mới, khi ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu không công nhận tư cách Đại biểu quốc hội đối với nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường do “không đủ điều kiện”.
Đó còn là vụ Phạm Công Danh và đồng phạm làm tiêu tan hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng; chuyện một lãnh đạo huyện Đông Anh (Hà Nội) bị tố hô biến đất công thành đất tư; hay chuyện nhân dân biết “cát tặc” hoành hành, “lâm tặc” chặt phá rừng, vận chuyển gỗ công khai, mà “Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch huyện, Bí thư huyện không chỉ đạo để chấn chỉnh”, “không chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân”, như Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nêu trước Quốc hội trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân…
Các sự vụ trên liên quan đến cán bộ ở những cương vị khác nhau, trung ương có, địa phương có, cho thấy còn những lỗ hổng về công tác cán bộ, không chỉ là một hai trường hợp cá biệt, mà đã ở mức phải gióng lên hồi chuông cảnh báo. Những sự vụ đó cho thấy những bức xúc, những yếu kém trong công tác cán bộ đã kéo dài và tiếp tục tồn tại, thậm chí có nơi, có lúc còn nghiêm trọng hơn, đã và đang để lại những hậu quả khó lường.
Hệ quả ban đầu không chỉ là chuyện doanh nghiệp, ngân hàng này thua lỗ ngàn tỷ, khu rừng kia bị chặt phá, khiến một ngân hàng, một doanh nghiệp lung lay, khiến đất đai phòng hộ bị xói mòn, mà lớn hơn rất nhiều, tàn phá khủng khiếp hơn rất nhiều, là làm lòng dân bị lung lay, niềm tin bị xói mòn.
Chính ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới các đại biểu Quốc hội khóa XIV tại phiên họp đầu tiên, cũng đã nêu, các tầng lớp nhân dân không khỏi bức xúc trước “tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín”, “làm giảm niềm tin của nhân dân”.
Nhưng, tín hiệu đáng mừng là Đảng, Nhà nước và nhân dân, bằng trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng với đất nước, với dân tộc, đã lên tiếng và hành động kịp thời, với mong mỏi công tác cán bộ được chấn chỉnh, để bộ máy được trong sạch, mỗi cán bộ đem hết tài năng phục vụ đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo kịp thời và Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhanh chóng vào cuộc, kết luận rõ sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh cùng những người liên quan. Mới nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu làm rõ sai phạm của lãnh đạo huyện Đông Anh. Tòa án đã đưa ra xét xử vụ Phạm Công Danh và đồng phạm về hành vi phạm tội. Báo chí, dư luận xã hội tiếp tục lên tiếng về những vụ việc cán bộ xã, huyện làm ngơ hay tiếp tay cho những sai phạm ở một số địa phương…
Đó là những hành động thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có tài, có đức để phụng sự đất nước. Và trước hết, ngay phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thông điệp tới 494 đại biểu Quốc hội khóa XIV rằng, đại biểu Quốc hội chính là những người sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phải dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước. Như vậy mới củng cố được niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với đội ngũ cán bộ, với bộ máy công quyền, để cả hệ thống chính trị cùng chung sức đưa đất nước lên tầm cao mới.