Gần 6 năm kể từ khi nhận “thẻ vàng” IUU của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam vẫn đang nỗ lực không ngừng để chống lại hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng tới gỡ thẻ cho toàn ngành.
Ngày 29/8, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển để thúc đẩy các giải pháp chống IUU.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tháng 10/2023, EC sẽ đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam lần thứ 4, từ đó ra quyết định Việt Nam có được tháo gỡ thẻ vàng IUU hay không.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, đồng thời chỉ rõ ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.
Nếu không may để rơi và trường hợp phải nhận “thẻ đỏ”, mọi chuyện sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính nếu bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.
Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt "thẻ đỏ" cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.
Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp "thẻ đỏ" thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan từ trung ương đến địa phương quyết liệt và trách nhiệm hơn, gấp rút thực hiện các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng vì “thời gian không còn nhiều, việc khó”.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nêu rõ những nhiệm vụ tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài. Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tại thời điểm “rút thẻ vàng” đối với Việt Nam, EC đưa ra 9 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ. Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn 4 khuyến nghị, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hành động theo 4 nhóm khuyến nghị này, như: Lắp đặt thiết bị theo dõi với tàu cá có chiều dài 15m trở lên; liên tiếp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có hành vi khai thác IUU.
Tuy nhiên, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay (tính đến ngày 29/8/2023) tiếp tục xảy ra 39 tàu/252 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang.
Ngoài ra, tình trạng tàu cá tắt, tháo gỡ thiết bị định vị, gửi sang tàu cá khác để khai thác sai vùng và trốn tránh sự giám sát của lực lượng chức năng tiếp tục diễn ra phức tạp. Đặc biệt, còn nhiều địa phương có số lượng lớn tàu mất kết nối trên 10 ngày, nhưng không xử phạt vi phạm hành chính trường hợp nào, điển hình các tỉnh: Nghệ An (112 lượt tàu); Quảng Ngãi (46 lượt tàu); Thanh Hóa (42 lượt tàu); Hải Phòng (41 lượt tàu); Tiền Giang (14 lượt tàu); Bà Rịa-Vũng Tàu (13 lượt tàu).