Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 khai mạc sáng 23/6 bày tỏ quyết tâm ký RCEP tại vào tháng 11/2020. |
Ngày 23 tháng 6 năm 2020, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa kiỳ lần thứ 10 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm chủ tọa. Bộ trưởng 15 nước tham gia đàm phán RCEP đã tham dự Hội nghị này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các nhà đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt từ đầu năm đến nay. Các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý lời văn để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP ghi nhận thách thức chưa từng có mà thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19 gây nên, do đó cần tăng cường hợp tác và phối hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và linh hoạt, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và toàn diện sau đại dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, các Bộ trưởng một mặt nhận thức rõ các thách thức đối với khu vực và mặt khác tái khẳng định quyết tâm ký kết Hiệp định RCEP tại Hội nghị Thượng định RCEP lần thứ 4 vào tháng 11 năm 2020 theo chỉ đạo của Nhà Lãnh đạo các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP.
Đồng thời, các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng việc ký kết RCEP trong năm 2020 sẽ phát đi tín hiệu về việc các nước tham gia đàm phán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực, từ đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn khu vực.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về sự tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP. Các bên cho rằng Ấn Độ vẫn luôn là một thành viên quan trọng trong đàm phán Hiệp định RCEP kể từ khi khởi động vào năm 2012 và việc tham gia của Ấn Độ sẽ đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của toàn khu vực, theo đó, nhấn mạnh rằng Hiệp định RCEP vẫn tiếp tục mở để Ấn Độ có thể tham gia.
Bất chấp việc tạm thời không có Ấn Độ, 15 quốc gia RCEP (gọi tắt là RCEP15) vẫn sẵn sàng tiến tới thành lập một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Khi được thực thi, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả 15 nước thành viên. Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD, khoảng 80% con số kỳ vọng khi khối có đủ 16 thành viên ban đầu là 171 tỷ USD.
Với Việt Nam, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản….RCEP với ưu đãi thuế quan lớn, quy tắc xuất xứ nội khối không quá khắt khe sẽ là cơ hội xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt Nam.