Dưới đây là chia sẻ của anh Phan Hòa, 38 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Một con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP HCM - Ảnh: HA |
Vợ chồng tôi bán hàng ăn sáng ở quận 7, TP HCM, sau khi trừ các khoản chi phí (thuê mặt bằng, 1 người chạy bàn, điện nước), mỗi tháng chúng tôi cũng thu lãi khoảng 20 - 25 triệu. Ngoài ra, tôi còn một dãy 12 phòng trọ, xây trên diện tích đất 95 m2, cũng ở quận 7. Tuy hàng tháng vẫn có thu nhập 18 triệu từ cho thuê trọ nhưng hiện tại chúng tôi không thể giao dịch, sửa chữa lớn, hay xây dựng gì ở đây vì mảnh đất này đang dính tranh chấp. Dãy trọ này vốn bố mẹ tôi được người quen gán nợ, khi tôi lấy vợ, bố mẹ cho chúng tôi lấy vốn để làm ăn. Việc kiện tụng ba bên đã kéo dài suốt từ năm 2005 đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Trước đây, vợ chồng tôi làm công ăn lương thì lấy 2 phòng trọ để ở. Đến năm 2012, chúng tôi nghỉ việc, đi kinh doanh hàng ăn nên phải ra ngoài thuê mặt bằng. Chúng tôi thuê căn nhà đủ lớn để vừa kinh doanh, vừa ở luôn cho tiện. Có điều cứ sau một năm hợp đồng, chủ nhà lại tăng tiền thuê hoặc đòi nhà do thấy chúng tôi buôn bán tốt.
Sau ba lần phải chuyển địa điểm bán hàng, tháng 3 năm ngoái, khi chủ nhà đòi lại mặt bằng (lúc đó đang cho chúng tôi thuê 12 triệu/tháng), tôi quyết định tìm mua nhà dù trong tay chỉ có 700 triệu. Tôi cảm thấy mình sẽ thành công nếu đầu tư vào bất động sản vì theo dõi từ năm 2016 đến lúc đó, tôi thấy giá nhà đất vẫn đang tăng lên từng ngày. Chúng tôi tìm được một căn nhà có diện tích đất 42 m2, xây một trệt, một lửng, một lầu, trong một con hẻm rộng, ô tô ra vào thoải mái ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Hẻm này hàng quán sầm uất, phù hợp để chúng tôi mở hàng ăn. Lúc đó, chủ nhà nói nếu thuê thì 13 triệu/tháng, còn mua thì họ bán 3,2 tỷ.
Chúng tôi quyết định mua, vay bố mẹ, anh em họ hàng mỗi người vài chục là được 300 triệu, vay một người bạn thân của tôi một tỷ và vay ngân hàng 1,2 tỷ trong 20 năm, lấy chính ngôi nhà đó thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, anh bạn tôi vốn là dân kinh doanh, đồng tiền không để yên trong túi, nên chỉ cho chúng tôi vay một năm không lãi, sau đó anh sẽ lấy về để làm ăn.
Hai vợ chồng nhẩm tính, mỗi tháng trả lãi và gốc ngân hàng hết khoảng 13 triệu, nhỉnh hơn một chút so với số tiền chúng tôi phải bỏ ra thuê mặt bằng. Chúng tôi sẽ cho thuê lại tầng lầu, mỗi tháng cũng được tầm 3 - 4 triệu. Cả gia đình sẽ cố gắng chi tiêu tiết kiệm, sau một năm, chúng tôi có thể bỏ ra 300 triệu để trả bạn. Số tiền thiếu, chúng tôi sẽ đi vay ai đó để bù vào trả bạn. Trong trường hợp xấu nhất, không vay được ai thì bán nhà đi, chúng tôi chắc mẩm thế nào chả có lãi.
Khi chúng tôi lên kế hoạch như vậy, người thân bạn bè đa số ủng hộ. Mọi người đều nhận định,“mua là được, đất chỉ có lên chứ không xuống”.
Về đây, công việc của chúng tôi thuận lợi, khách đến ăn sáng khá đông. Một số khách cũ từ địa điểm trước (cách đây 2 km) thỉnh thoảng vẫn sang chỗ mới của chúng tôi ăn. Hai vợ chồng cũng cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Đến trước Tết âm lịch, chúng tôi đã bỏ ra được 280 triệu để trả bạn, tiền ngân hàng vẫn trả đều hàng tháng, tiền người thân cho vay thì chưa trả ai.
Tháng ba vừa rồi, vợ tôi bất ngờ bị đau ruột thừa, phải phẫu thuật và nằm viện một tuần, tốn kém hơn 50 triệu. Sau khi vợ tôi về nhà, chúng tôi phải đóng cửa hàng thêm một tuần nữa, gia đình mất đi khoản thu nhập 20 triệu như bình thường. Khi vợ tôi hồi phục, chúng tôi cũng buộc phải giảm lượng hàng bán mỗi ngày vì không muốn cô ấy mất sức, đổ bệnh lại.
Thời hạn trả tiền bạn cũng đã đến. Vì vợ tôi bệnh nên bạn tôi đồng ý chưa lấy tiền ngay, cho tôi thêm vài tháng để xoay xở. Tôi hỏi vay tiền vài nơi nhưng không được nên đến cuối tháng 4 quyết định rao bán nhà. Tuy nhiên, hình như sau khi giá nhà đất đã lên quá cao thì người mua đất bắt đầu chững lại. Tôi nhớ, hồi chúng tôi mới nhận nhà, có mấy người khách cứ nằng nặc đòi mua với giá 3,3 tỷ. Thế nhưng gần 2 tháng kể từ lúc rao bán nhà đến giờ, tôi chưa thấy khách nào có thiện chí mua. Chỉ có mấy người khách là dân đầu cơ, cố tính dìm giá, trả 2,8 tỷ nên thực sự tôi không muốn bán. Tuy nhiên, tôi cũng không thể thất hứa với bạn tôi được. Thời gian này, cứ nghĩ đến nhà cửa là tôi mệt mỏi đau đầu. Ước gì có ai mua dãy phòng trọ kia cho chúng tôi thì tôi không phải bán ngôi nhà đang ở. Tôi cũng ước gì ngày trước, không mạo hiểm mua nhà mà thuê thì có phải bây giờ đỡ mỏi mệt không.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc một công ty dịch vụ và tư vấn nhà đất tại TP HCM cho biết, từ tháng 4 trở lại đây, số lượng các hợp đồng giao dịch mua bán thành công thông qua công ty ông đã giảm so với trước. “Tôi nghĩ đây cũng là tình hình chung của thị trường bất động sản Sài Gòn. Khi giá quá cao, nhiều người mua sẽ dừng lại chờ giá xuống. Trước đây, giá đất tăng nhanh, phần lớn do người giới đầu tư mua đi bán lại. Ví dụ, hồi tháng 6/2017, một khách hàng của tôi mua một căn nhà 41m2 tại Tân Thuận Tây với giá 1,6 tỷ. Tôi giới thiệu khách cho anh ta, bán được 1,82 tỷ sau 3 tháng. Người mua nhà mới này lại nhờ tôi giới thiệu khách mua giúp, và anh ta đã bán được 1,95 tỷ chỉ sau 1 tháng mua.
Đặc biệt, sau Tết, các ngân hàng siết chặt gói tín dụng cho vay bất động sản, như tăng thêm lãi suất, không có gói ưu đãi nào cho vay mua nhà đất, định giá bất động sản thấp hơn thị trường, cho vay với tỉ lệ thấp hơn sẽ khiến nhiều người đầu cơ rút chân ra khỏi thị trường. Còn những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự cũng phải tính toán lại nếu có ý định vay ngân hàng.
Ông Dũng cũng cho rằng mua nhà để ở trong thời điểm giá bất động sản cao không phải là lựa chọn tối ưu. Lẽ ra, anh Hòa nên thuê nhà để kinh doanh sẽ hợp lý hơn. Chưa kể, khi anh ấy đã biết chắc sau 1 năm sẽ phải trả hết tiền vay bạn (số tiền vay chiếm 30% giá trị căn nhà) mà vẫn quyết tâm mua thì là một bài toán luẩn quẩn và mạo hiểm.