Chuyển đổi số - Kinh tế số
Ra mắt Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX
Nhã Nam - 04/06/2022 20:33
Bộ giải pháp do Tập đoàn công nghệ Bkav phát triển này có thể triển khai cho cả khối Chính phủ và khối doanh nghiệp.

Tập đoàn Công nghệ Bkav vừa ra mắt Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX. Đây là kết quả được Bkav đúc kết từ 18 năm kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số và 4 năm gần đây đầu tư mạnh cho chuyển đổi số.

Bkav DX dựa trên mô hình Data-Centric, cho phép tùy biến cấu hình trên 16 nền tảng. Bộ giải pháp có thể triển khai cho cả khối Chính phủ và khối Doanh nghiệp

Bộ giải pháp chuyển đổi số Bkav DX sẽ đưa ra lời giải cho bài toán chuyển đổi số của các cơ quan, doanh nghiệp

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức vẫn còn nhiều băn khoăn trong lựa chọn giải pháp phù hợp để hiện thực hóa các mong muốn, ý tưởng về chuyển đổi số.

Từ kinh nghiệm đúc rút nhiều năm qua, Bkav đã tìm ra được lời giải cho bài toán chuyển đổi số của từng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Với phương pháp tiếp cận Data-Centric (lấy dữ liệu làm trung tâm), Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX giúp thay đổi phương thức điều hành, từ cách truyền thống dựa trên nghiệp vụ đơn lẻ sang điều hành dựa trên số liệu.

Bkav DX hỗ trợ xây dựng nghiệp vụ nhanh chóng với khả năng tùy biến cấu hình nhờ việc kết hợp 16 nền tảng, có khả năng đáp ứng hàng nghìn yêu cầu trong thời gian ngắn.

Chia sẻ tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cho biết, nắm bắt thời cơ thực hiện chuyển đổi số có thể coi là cơ hội ngàn năm có một của đất nước.

“Bộ giải pháp tổng thể các nền tảng chuyển đổi số Bkav DX chính là sự chủ động đón đầu xu hướng trong cách mạng công nghiệp 4.0, góp sức đưa Việt Nam sớm vươn lên thành nước phát triển”, ông Nguyễn Tử Quảng nói.

Hai năm trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Chương trình này nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Một số mục tiêu cơ bản đã được vạch ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Chẳng hạn, đến năm 2025, với phát triển Chính phủ số, mục tiêu là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

Cùng với đó, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%

Trong khi đó, về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, thì mục tiêu là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Hai năm Covid-19 vừa qua, các hoạt động chuyển đổi số đã được đẩy mạnh, ở cả khối Chính phủ và khối Doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn công nghệ có năng lực tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số.

Tin liên quan
Tin khác