Hiện việc rà soát quy hoạch các KCN vẫn đang được triển khai |
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ bổ sung khu công nghiệp (KCN) Phổ Khánh (huyện Đức Phổ) và Đồng Dinh (huyện Tư Ngãi) vào Quy hoạch Phát triển KCN tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.
Theo kế hoạch, KCN Phổ Khánh có diện tích 317 ha, dự kiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực vận tải, dịch vụ cảng cá, năng lượng, chế biến thủy - hải sản…; còn KCN Đồng Dinh có diện tích 474 ha, phát triển các ngành chế biến thủy sản, bao bì, giấy, công nghệ thực phẩm…
Theo lý giải của UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc mở thêm hai KCN này là cần thiết, bởi theo Quy hoạch tổng thể các KCN tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2006, Quảng Ngãi có 3 KCN, với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là 390,25 ha (không kể các KCN trong Khu kinh tế Dung Quất). Hiện, các KCN này có tỷ lệ lấp đầy khá lớn, cụ thể là KCN Tịnh Phong đạt 75,77%; KCN Quảng Phú đạt 91,59%. Riêng KCN Phổ Phong (trước đây do Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đầu tư nhưng đã bị thu hồi vì không triển khai, nay mới chuyển về Ban quản lý KCN Quảng Ngãi quản lý), mới chỉ triển khai xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong.
“Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như kết quả thu hút đầu tư, nhu cầu đầu tư các dự án vào các KCN của tỉnh là rất lớn, nếu không bổ sung quy hoạch các KCN, thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho sự phát triển của địa phương”, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lý giải.
Trên thực tế, việc Quảng Ngãi đề xuất thành lập mới 2 KCN nằm trong quy trình rà soát lại quy hoạch các KCN mà các địa phương trong cả nước. Quảng Ngãi là một trong số 14 địa phương chưa có đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cuối tháng 12/2014, khi ban hành quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch KCN cho 31 tỉnh, thành phố, Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi quy hoạch 5 KCN và giảm diện tích 6 KCN chưa được thành lập tại 5 tỉnh, với tổng diện tích 1.871 ha; giảm diện tích 16 KCN đã được thành lập tại 9 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 1.500 ha; đồng thời điều chỉnh diện tích 4 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích tăng thêm là 49 ha. Như vậy, tổng diện tích điều chỉnh giảm là 3.371 ha, nhưng diện tích tăng thêm không đáng kể. Trước đó, Chính phủ đã có 16 quyết định riêng lẻ về quy hoạch phát triển KCN của 16 tỉnh, thành phố khác.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc bổ sung các KCN mới phải căn cứ tình hình lấp đầy các dự án KCN hiện hữu cũng như của KCN đề xuất bổ sung.
Không những vậy, sau phiên họp của Ban Chỉ đạo phát triển các KCN, KKT cách đây chưa lâu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu kiên quyết cắt giảm những diện tích, loại bỏ các KCN không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng kết cấu hạ tầng.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, nhiều KCN hoạt động kém hiệu quả đã được xử lý. Chẳng hạn, KCN Cộng Hòa - Chí Linh (Hải Dương) được đề xuất giảm từ 357 ha xuống còn 200 ha; KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương) đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP). KCN Phong Phú (TP.HCM) cũng đã được giảm diện tích KCN từ 148 ha xuống còn 134 ha và chuyển đổi thành Khu phức hợp công nghệ cao, trong đó đất KCN là 67 ha…
Với mục tiêu phát triển bền vững, việc rà soát quy hoạch các KCN vẫn đang được tiếp tục.