Rạch Giá đang tô đậm thương hiệu “Đô thị biển”. |
Dồn sức đầu tư hạ tầng
Nghị quyết nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Đảng bộ TP. Rạch Giá xác định, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy phát triển Thành phố nhanh và bền vững, trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông là đòn bẩy để thu hút doanh nghiệp, huy động tốt nguồn lực trong nhân dân.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đến năm 2020 của TP. Rạch Giá đạt 44.965 tỷ đồng, đạt 109,67% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách 13.656 tỷ đồng, đạt 113,80% kế hoạch; vốn doanh nghiệp và hộ kinh doanh 19.020 tỷ đồng, đạt 88,47% kế hoạch; vốn đầu tư trong dân cư 12.289 tỷ đồng, đạt 163,85% kế hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Sử, Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá, cho biết, từ năm 2016 đến nay, bằng nguồn vốn Trung ương, ODA, ngân sách tỉnh và Thành phố, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn đã được đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng, như: đường Lâm Quang Ky, tuyến đê biển, đường 30 tháng 4 (tỉnh lộ 961)…
Bên cạnh đó, một số tuyến đường chính khu vực nội đô và ngoại thành. Công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, đầu tư xây dựng được thực hiện quyết liệt; không để các khu dân cư hình thành tự phát, phá vỡ quy hoạch kiến trúc đô thị.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư có hạn, chính quyền địa phương luôn sắp xếp thứ tự ưu tiên triển khai các dự án, bố trí vốn linh hoạt theo điều kiện nguồn lực cụ thể để đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác và phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải. Giải ngân các dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao..
Một số dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ như: cầu Vàm Trư; đường Nguyễn Thị Minh Khai; kè - đường - công viên khu 16 ha; kè kênh nhánh và đường, đường Trần Văn Giàu; mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Võ Trường Toản; đường Tả ngạn kênh Rạch Giá - Long Xuyên; cống Kênh nhánh; cảng hành khách Rạch Giá…
“Cùng với vốn ngân sách, nguồn vốn ODA đầu tư nâng cấp đô thị những năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo của Thành phố, chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường. Đây là vốn mồi để kích hoạt các nguồn vốn khác trong dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ trên địa bàn”, ông Sử chia sẻ.
Khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư
Nhiệm kỳ qua, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn được triển khai hiệu quả với một số dự án có tính kết nối hạ tầng, mỹ quan đô thị như: Khu dân cư An Bình, Khu dân cư, tái định cư Nam An Hòa, Khu dân cư Chợ Nông sản Rạch Giá, đường số 2 phường Vĩnh Quang.
Đặc biệt, nhiều dự án khai thác lợi thế tiềm năng mặt biển đạt hiệu quả chung như: Khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc; Khu đô thị Phú Cường - Hoàng Gia; Khu đô thị lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá (giai đoạn 2); Khu đô thị mới lấn biển Tây Nam Rạch Sỏi... Một số dự án kết nối giao thông đang được lập quy hoạch để trình chủ trương đầu tư như tuyến số 1 nối Quốc lộ 80 với Dự án Lấn biển Tây Bắc, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Sư Thiện Ân nối dài đến đường kênh vành Đai…
Các cấp chính quyền địa phương tại Rạch Giá luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất, xây dựng hạ tầng, chia tách thửa đất theo quy hoạch.
TP. Rạch Giá đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025. Theo đó, đã điều chỉnh cục bộ chức năng 27 khu đất với 642,64 ha, trong đó, có 9 khu vực phía biển với quỹ đất 517,07 ha; phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) một số khu vực.
Quy hoạch được phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho Rạch Giá kêu gọi đầu tư phát triển đô thị. Song song đó, Thành phố chủ động rà soát và khai thác nguồn lực từ quỹ đất, nhất là đất công không có nhu cầu sử dụng để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng.
“Hiện nay, nhiều dự án phát triển đô thị với số vốn từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng đang được các nhà đầu tư triển khai, như Thaco, Tập đoàn CEO (Dự án Khu đô thị Tây Bắc phường Vĩnh Quang, giai đoạn 2). Riêng một số dự án hạ tầng xã hội cũng đã có nhà đầu tư đang triển khai như: Nhà máy Xử lý rác thải Plasma có công suất 100 tấn/ngày; Khu thương mại dịch vụ và nhà trẻ 3 nhóm phường Vĩnh Hiệp”, ông Sử phấn khởi nói.
Có thể thấy, Rạch Giá đã khai thác hiệu quả kinh tế biển khá toàn diện; quy hoạch và quản lý quy hoạch chặt chẽ, bài bản, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư phát triển đô thị ven biển. Chính quyền TP. Rạch Giá đã khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện nhiều công trình trọng tâm, dự án trọng điểm, xây dựng nhiều khu đô thị mới lấn biển, cầu đường, cống ngăn mặn... Các công trình được triển khai đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi diện mạo của TP. Rạch Giá theo hướng hiện đại, văn minh và hài hòa, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Sử, Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá cho biết, Rạch Giá đang được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn nghiên cứu đề xuất đầu tư nhiều dự án quy mô.
Cụ thể, Tập đoàn FLC đề xuất Dự án Khu đô thị mới phường Vĩnh Hiệp và Khu thương mại - dịch vụ đường Lạc Hồng nối dài, Tổ hợp tháp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ nhà phố tại Quảng trường Trần Quang Khải... (33.000 tỷ đồng). Công ty CP Toàn cầu TMS đề xuất Dự án Khu đô thị mới TMS Kiên Giang và Tổ hợp thương mại TMS Kiên Giang (11.956 tỷ đồng). Tập đoàn Đất Xanh đề xuất Dự án Khu dân cư Đông Bắc Vĩnh Hiệp (2.800 tỷ đồng). Công ty CP Đầu tư văn hóa, du lịch, bất động sản Sài Gòn An Hòa đề xuất Dự án Khu tổ hợp công viên văn hóa An Hòa (500 tỷ đồng)...