Ngân hàng - Bảo hiểm
Rầm rộ gom mua, giá vàng sẽ lập kỷ lục mới?
Thùy Liên - 01/04/2020 08:03
Đầu tuần này, giá vàng chững lại sau một tuần tăng giá chóng mặt, gần 10% - mức tăng trong tuần lớn nhất 12 năm qua (từ năm 2008). Dường như, kịch bản giá vàng giai đoạn 2008 - 2011 đang lặp lại. Một chu kỳ tăng giá mới của vàng đang bắt đầu.
Giá vàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: Đ.T

Vàng sẽ còn tăng giá khó đoán?

Giá vàng đang được hỗ trợ mạnh mẽ sau khi những gói hỗ trợ khổng lồ được các nước liên tục tung ra. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố gói hỗ trợ không giới hạn, trong khi số tiền mà ngân hàng trung ương các nước khác cam kết bơm ra thị trường để hỗ trợ kinh tế đã lên tới hơn 7.000 tỷ USD.

Rất nhiều dự báo lạc quan về giá vàng được đưa ra. Mới đây, Quỹ đầu tư WingCapital Investments (Mỹ) dự báo, vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce. Một số chuyên gia khác còn cho rằng, giá vàng có thể lên tới gần 4.000 USD/ounce.

Hiện các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các quốc gia đang tăng cường nắm giữ vàng. Xu hướng này bắt đầu hình thành từ năm 2016, tăng mạnh trong năm 2018 - 2019. Riêng năm 2019, các ngân hàng trung ương đã mua vào 700 tấn vàng - mức cao nhất trong vòng 60 năm qua. Theo Hội đồng Vàng thế giới, các quỹ đầu tư, đặc biệt các quỹ ETF, đang nắm giữ lượng vàng cao nhất lịch sử, lên tới 30.000 tấn.

Khác với các năm trước, khi hầu như chỉ có các định chế tài chính, các quỹ đầu tư ở khu vực Bắc Mỹ mua vàng, thì thời gian gần đây, làn sóng mua vàng lan sang cả khu vực châu Âu, châu Á, châu Phi.

Điều đặc biệt nhất, theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, hơn 10 năm qua, trong khi các thị trường như bất động sản, chứng khoán… đã có chu kỳ tăng giá liên tục và bắt đầu bước sang chu kỳ giảm, thì vàng đã giảm liên tục từ năm 2011 đến nay và mới bước vào chu kỳ tăng giá được vài năm.

“Chu kỳ tăng giá của vàng mới bắt đầu và giá vàng sẽ còn tăng tiếp”, chuyên gia này nhận định.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, giá vàng đang lặp lại kịch bản giai đoạn 2008 - 2011. Theo đó, giá vàng có thể còn giảm tiếp trong ngắn hạn, song về dài hạn, giá vàng nhiều khả năng sẽ lập kỷ lục mới.

Còn nhớ, năm 2008, khi khủng hoảng xảy ra, giá vàng đã giảm từ 1.030 USD/ounce vào tháng 3/2008, xuống còn hơn 700 USD/ounce vào gần cuối năm. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm các quỹ đầu tư và các ngân hàng trung ương tập trung đẩy mạnh mua vàng. Giá vàng sau đó đã được đẩy lên mức giá cao nhất mọi thời đại (1.921 USD/ounce năm 2011) và dần quay đầu giảm khi các tổ chức này chốt lời.

Kịch bản này có vẻ đang được lặp lại khi đầu tháng 3/2020, giá vàng có lúc giảm xuống dưới 1.500 USD/ounce, nhưng nhanh chóng lấy lại mức giá trên 1.600 USD/oune. Nhiều ý kiến cho rằng, vàng sẽ sớm vượt mức 2.000 USD/ounce trong năm nay. Việc giá vàng giảm giữa tháng 3/2020 có thể là do các quỹ đầu tư bán ra để cân đối danh mục. Về dài hạn, giá vàng vẫn đi lên khi các nhà đầu tư tổ chức tăng cường nắm giữ.

Khi nào nên rót tiền vào vàng?

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh nhận định, giá vàng năm 2020 có thể phá vỡ các mốc lịch sử đã đạt được.

“Năm 2020, nếu theo kịch bản khiêm tốn, giá vàng sẽ đạt 1.800 USD/ounce, còn nếu theo kịch bản tích cực thì sẽ cao hơn mốc 1.921 USD của năm 2011. Giá vàng tại Việt Nam khi đó sẽ vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nhận định.

Mặc dù nhận định giá vàng đi lên, song chuyên gia này cho rằng, bắt đáy hay lướt vàng là vô cùng rủi ro, nhất là lướt sóng ngắn hạn. Chuyên gia này khuyến cáo, nhà đầu tư không nên “đu” giá vàng khi vàng đang trong chiều hướng đi lên, mà chỉ nên mua tích lũy khi giá vàng đang có xu hướng giảm. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng chỉ mua khi chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế và chênh lệch giá mua - giá bán không quá lớn.

Tương tự, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định, giá vàng có thể tiếp tục đi lên, song nhà đầu tư nếu mua vàng ở những thời điểm cao hơn giá thế giới 4 - 6 triệu đồng/lượng như vừa qua là cực kỳ rủi ro.

Thời gian qua, một số thời điểm, dù giá vàng thế giới giảm sâu, nhưng giá vàng trong nước không giảm, chênh lệch tới 6 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua - giá bán cũng được đẩy lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng, gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo quan điểm của giới chuyên gia, nếu xác định lướt sóng, nhà đầu tư nên tránh xa vàng. Tuy nhiên, nếu xác định đầu tư trung, dài hạn (trên 6 tháng), nắm giữ vàng vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất hiện nay.

Về thời điểm mua vàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh giảm.

Có chung quan điểm, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, giá vàng khó rớt xuống mốc 1.400 USD/ounce, nhưng nhiều khả năng sẽ có thời điểm điều chỉnh giảm xuống dưới 1.600 USD/ounce. Vì vậy, nhà đầu tư nên “canh” thời điểm giá vàng rơi xuống để đầu tư.

Nhiều khả năng, giá vàng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, song cũng không loại trừ rủi ro thị trường tài chính toàn cầu rơi vào suy thoái hình chữ U (kinh tế lao dốc và trì trệ một thời gian dài rồi mới đi lên). Dù vậy, ngay cả kịch bản suy thoái này xảy ra, giá vàng sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ, chứ không rớt giá. Nguyên nhân là khó có chuyện các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các nước bán vàng, chuyển sang nắm giữ tài sản khác.

Theo khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới thực hiện năm ngoái, hơn 50% ngân hàng trung ương các nước không có kế hoạch bán vàng trong vòng 5 năm tới. Điều này có nghĩa, vàng đang được hỗ trợ trong một chu kỳ dài hạn.

- Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh
Tin liên quan
Tin khác