Loạt kế hoạch tăng vốn và M&A
Phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding đang trong những bước chuẩn bị cuối cùng, khi HĐQT thông qua hồ sơ đăng ký để gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, thông báo về quá trình phát hành tăng vốn đang phần nào tác động lên diễn biến tích cực của giá cổ phiếu RDP những ngày cuối tháng 9/2023.
Với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, 5 nhà đầu tư cá nhân sẽ chi 300 tỷ đồng để mua cổ phiếu mới, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu lên 70,99%. Trong đó, riêng Chủ tịch HĐQT Hồ Đức Lam sở hữu 52,6% vốn sau phát hành. Cổ đông lớn này bán ra 2,49 triệu cổ phiếu trong tháng 8, giảm sở hữu từ 50,12% xuống 45,04%.
Được biết, kế hoạch tăng vốn qua phát hành riêng lẻ chỉ vừa được Rạng Đông Holding thông qua tại cuộc họp cổ đông bất thường tổ chức cuối tháng 8/2023. Số vốn huy động thêm từ các cổ đông sẽ được dùng để trả nợ ngân hàng, gồm 160 tỷ đồng vay Ngân hàng đại chúng TNHH Kasicombank và 140 tỷ đồng vay BIDV.
Trước đó, các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 4 năm trở lại đây đều nhắc tới chuyện tăng vốn của Rạng Đông Holding hay công ty thành viên. Tuy nhiên, trừ các đợt phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên và chi trả cổ tức/chia thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp này chưa có đợt phát hành huy động vốn mới nào từ các nhà đầu tư kể từ năm 2016 đến nay.
Bên cạnh đó, loạt mục tiêu tăng vốn và M&A được vạch ra, nhưng không dễ thực hiện. Năm 2023, các cổ đông của Rạng Đông Holding phê duyệt kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty thành viên Rạng Đông Long An, với thời gian mục tiêu chậm nhất trước quý I/2025. Tuy nhiên, sự ra đi của cổ đông Nhật Bản (Sojitz Planet) trong thương vụ M&A năm 2017 là dấu hỏi cho sự thành công của kế hoạch này.
Đồng thời, Công ty tính bán vốn thông qua chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ Rạng Đông Films và Rạng Đông Healthcare do đơn vị này sở hữu lần lượt 78,18% vốn và 40,67% vốn. Triển khai chủ trương này, giữa tháng 7/2023, HĐQT Công ty đã thông qua chuyển nhượng 20% vốn Rạng Đông Healthcare với giá gấp rưỡi mệnh giá.
Trước đó, năm 2022, Rạng Đông Holding dự tính chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 40%, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để đầu tư vào Rạng Đông Healthcare và tái cấu trúc tài chính. Thời hạn mục tiêu cho kế hoạch này muộn nhất là quý II/2023, nhưng không thành công.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022, Công ty còn đề ra phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, kế hoạch chào bán trái phiếu riêng lẻ cho Rạng Đông Long An, dự kiến thực hiện chậm nhất vào quý I/2023, nhưng chưa thực hiện.
Lợi nhuận teo tóp vì mở rộng nợ vay
Đã có nhiều thay đổi tại Rạng Đông Holding - tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ năm 2005 - trong gần một thập kỷ qua. Rõ ràng nhất là về cơ cấu sở hữu, ông Hồ Đức Lam - công tác tại Công ty từ năm 1985 đã đảm nhận vị trí Tổng giám đốc ngay sau khi Công ty cổ phần hóa, sau đó nhận vai trò Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc và nay là Chủ tịch.
Không chỉ vậy, quy mô tài sản của Rạng Đông Holding hiện cao gấp 3,2 lần, nhưng tổng các khoản nợ gấp 3,4 lần thời điểm cuối năm 2014. Nợ vay ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn của Công ty, tăng lên gần 72% vào cuối quý II/2023. Chi phí lãi vay do đó liên tục tăng, quanh mức 90 tỷ đồng trong các năm gần đây, gấp gần 4 lần hồi năm 2014.
Đối với một doanh nghiệp có mức biên lãi gộp thấp, chỉ khoảng 8% như Rạng Đông Holding, chi phí lãi vay đã “ăn mòn” đáng kể phần lợi nhuận. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu bán hàng tăng 9,25%, lãi vay tăng 71% là một trong các nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm gần nửa, dù tỷ suất lợi nhuận gộp có cải thiện.
Do đó, mục tiêu tái cấu trúc tài chính, như tăng vốn góp để trả nợ ngân hàng, có thể giải quyết vấn đề tồn tại sau quá trình mở rộng của doanh nghiệp nhựa này.