Chuyển động thị trường
Rao bán nợ xấu bất động sản: Đại hạ giá vẫn ế
Trọng Tín - 29/07/2020 13:19
Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tín dụng đang ồ ạt thanh lý các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Song, dù rao bán nhiều lần vẫn ế ẩm.
Việc phát mãi, thanh lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong năm nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước

Ồ ạt rao bán nợ xấu

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Sở Giao dịch 2 thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Giá trị định giá tài sản là hơn 7.836 tỷ đồng, trong đó tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV hơn 4.545 tỷ đồng.

Dự án Kenton Node có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, được xem là dự án bất động sản tầm cỡ nhất khu Nam TP.HCM thời điểm đó. Thế nhưng, hơn 10 năm sau, dự án này vẫn chỉ là những khối bê tông xám xịt.

Trước đó, Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Gia Định cũng phát đi thông báo phát mãi 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (quận 7, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư. Giá bán khởi điểm dao động từ 2,188 - 5,4 tỷ đồng/căn, diện tích từ 135,98 m2 đến 368,45 m2. Như vậy bình quân giá bán chỉ từ 15 - 16 triệu đồng/m2, mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đây là lần thứ 3, BIDV rao bán căn hộ tại tại chung cư Kỷ Nguyên. Đợt chào bán đầu tiên tại chung cư này của BIDV diễn ra vào tháng 10/2019 gồm 27 căn và BIDV chỉ bán được 1 căn.

Nhiều ngân hàng khác như VietinBank, Techcombank, Sacombank, LienVietPostBank. cũng đang miệt mài bán nợ, phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa rao bán trực tiếp 7 tài sản là bất động sản có giá trị từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Trong số này, một tài sản hiện được SCB rao bán với giá 830 tỷ đồng là kho Phước Sơn tại thị xã Thuận An (Bình Dương).

Các tài sản khác là nhà ở dân cư và quyền sử dụng đất cũng đang được SCB rao bán với giá từ 2,2 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.

Ế ẩm

Việc phát mãi, thanh lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong năm nay khó khăn hơn nhiều so với những năm trước. Rất nhiều ngân hàng phải bán với giá thấp, nhưng vẫn khó có người mua. Nhiều trường hợp phát mãi đến lần thứ 5, giá thấp hơn 20 - 30%, nhưng chưa bán được.

Sau 4 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Nhà Hưng Ngân, mức giá giảm hàng chục phần trăm so với mức chào bán lần đầu, song Ngân hàng BIDV vẫn không tìm được người mua. Trong lần tổ chức bán đấu giá mới nhất, BIDV rao bán khoản nợ với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán đã giảm gần 24%.

Một khoản nợ khác được BIDV rao bán nhiều lần nhưng cũng chưa thành công là của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, với tổng dư nợ hơn 2.700 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm của khoản nợ này gồm nhiều bất động sản ở TP.HCM, trong đó có văn phòng của Thuận Thảo Nam Sài Gòn trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1), trên diện tích 275 m2; 2 khu đất tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh tổng cộng 22 ha, cùng nhiều tài sản đảm bảo khác.

Giá khởi điểm khoản nợ được đơn vị tổ chức đấu giá đưa ra là 800 tỷ đồng, chưa bằng 30% tổng giá trị khoản nợ hơn 2.700 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi.

Việc các ngân hàng ồ ạt rao bán đất ở và bất động sản nhằm thu hồi khoản nợ được đánh giá là cơ hội với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), tuy nhiên, rủi ro từ việc mua tài sản từ các ngân hàng cũng khá cao nếu không tìm hiểu kỹ các yếu tố về pháp lý.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, việc bán đấu giá tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng thương mại gần đây diễn ra khá nhiều, trong khi trước đây, tài sản thế chấp là bất động sản được xử lý qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau, chứ không chỉ chủ yếu đem phát mại như hiện nay.

"Đây có thể xem là cơ hội cho người muốn săn lùng tài sản với giá tốt. Xét về góc độ người mua, khi đã chọn phải chú ý tính pháp lý, đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của ngân hàng. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng kiện tụng kéo dài”, ông Hiển lưu ý.

Luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn luật sư TP.HCM cũng khuyến cáo, trên thực tế, cơ chế luật liên quan đến việc bàn giao tài sản cho người mua trong trường hợp các bên không đồng ý sẽ được giải quyết bằng hình thức kiện dân sự. Tuy nhiên, vụ án dân sự thời gian thường kéo dài và người mua sẽ là người chịu rủi ro và thiệt thòi nhất. Vì vậy, với những tài sản này, người mua nên tìm hiểu thật kỹ pháp lý và có thể nhờ sự hỗ trợ của các luật sư có chuyên môn.

Tin liên quan
Tin khác