Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng đã soạn thảo Chiến lược Phát triển công trình xanh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Hiện bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đang được xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo Xây dựng xanh và Năng lượng hiệu quả mới đây, ông Trần Đình Thái, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ triển khai các dự án thí điểm ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Đây được xem là những động thái quan trọng trong ngành xây dựng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thái cũng thừa nhận, đối với các chủ đầu tư, việc tăng suất đầu tư với các công trình xanh đang là rào cản lớn. Ông Thái đưa ra ví dụ về công trình Green House thuộc Khu đô thị Việt Hưng do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. “Mặc dù chủ đầu tư rất tâm huyết lồng ghép yếu tố xanh trong thiết kế, xây dựng và sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà này, nhưng khi suất đầu tư tại công trình tăng lên, thì khách hàng lại khiếu nại, mặc dù họ nhìn thấy rất rõ lợi ích của nó”, ông Thái nói.
Với góc nhìn của nhà tư vấn, ông Huỳnh Kim Tước, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Năng lượng Việt (Viet Esco) lại cho rằng, xây dựng các công trình xanh không đồng nghĩa với việc suất đầu tư tăng lên, do các công trình này có thể sử dụng vật liệu tái sử dụng, với thiết kế tốt có thể lấy ánh sáng tự nhiên, do đó giảm việc sử dụng nhiều năng lượng điện.
Ông Tước cũng nhận định, Việt Nam đang rất hạn chế trong việc thiết kế và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, hay những vật liệu tái chế. Vì vậy, các công trình xanh đang có mặt ở Việt Nam như văn phòng Công ty TNHH Changshin Việt Nam tại Biên Hòa, Colgate-Palmolive Hồ Chí Minh, Nhà máy Hanesbrand Phú Bài, YCH-Protrade DistriPark và FGL Tân Phú, những công trình điển hình nhận chứng nhận công trình xanh của Leed (Mỹ) lại đến từ những nhà thiết kế nước ngoài.
Tiêu chuẩn Lotus do VGBC đưa ra được xem là phù hợp nhất với điều kiện thực tế của Việt Nam và đạt các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng chỉ có 9 dự án được nhận chứng nhận này. Thực tế này được ông Yannick Millet, Giám đốc VGBC lý giải là do thị trường bất động sản tại Việt Nam có tính đầu cơ khá cao, nên chủ đầu tư chỉ có chiến lược đầu tư ngắn hạn; người dân có nhận thức không đầy đủ về các công trình xanh; về phía Chính phủ Việt Nam, chi phí năng lượng lại đang được trợ cấp khá cao.
So sánh tại Mỹ, ông David Hathaway, Giám đốc Dự án Chương trình phát triển sạch về sử dụng năng lượng hiệu quả (Mỹ) cho biết, Mỹ không có bất kể một cơ quan của Chính phủ nào đưa ra những quy định bắt buộc về việc xây dựng các công trình xanh, nhưng có tới 80% các công trình đạt chứng nhận Leed, chứng nhận phổ biến cho các tòa nhà xanh.
“Những chủ đầu tư Mỹ nhận thấy, các công trình đạt tiêu chuẩn sẽ nâng cao được thương hiệu của mình. Nhìn về tổng thể, công trình xanh tiết kiệm 30% năng lượng, 35% các-bon, 30-50% lượng nước. Việc sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các trang thiết bị có hiệu suất năng lượng cao có thể tiết kiệm từ 30-40% năng lượng tại các công trình mới và giảm 15-25% năng lượng với những công trình đang hoạt động”, ông Hathaway nói.
Hải Hà