Ngân hàng - Bảo hiểm
Ráo riết quyết đưa nợ xấu về dưới 3%
Vân Linh - 25/07/2015 09:05
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, nhằm kiểm soát nợ xấu xuống mức 3% vào cuối năm đúng mục tiêu đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Minh, khó khăn vẫn là khâu phát mãi tài sản.
ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM

Con số nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM nửa đầu năm nay là bao nhiêu, thưa ông?

Nợ xấu của ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 5/2015 chiếm 5,2% tổng dư nợ và hiện đang chờ báo cáo nửa đầu năm từ các ngân hàng thương mại. Tuy còn có khăn nhất định trong quá trình xử lý nợ xấu, nhưng với mục tiêu kiểm soát nợ xấu của ngành NH đưa ra cho năm nay là kiểm soát nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015, lành mạnh hệ thống nên ngân hàng đang đẩy mạnh xử lý.  

Còn việc xử lý và bán nợ xấu cho VAMC của các ngân hàng ra sao?

5 tháng đầu năm, tổng số lượng nợ xấu các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã bán cho VAMC là hơn 3.000 tỷ đồng. Lý do là từ tháng 4, tháng 5, VAMC mới bắt đầu mua nợ xấu từ các ngân hàng. Đồng thời, trong tháng 6 và tháng 7, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC và dự kiến đến ngày 1/10 năm nay sẽ đạt mục tiêu khối lượng nợ xấu bán cho VAMC.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng của ngành năm nay tốt hơn năm trước đã tác động tích cực đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm nay tăng 5,4% so với đầu năm 2015. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng 0,9% và dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng 4% so với đầu năm. Tín dụng tăng là điều kiện tốt để xử lý được nợ xấu. Vì vậy, với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về đúng mức 3% cuối năm nay, theo tôi là có cơ sở đạt được. 

Tín dụng tăng tạo điều kiện tốt để xử lý nợ, nhưng sao nợ vẫn tăng, thưa ông?

Nợ xấu của các ngân hàng tăng những tháng đầu năm từ thời điểm Thông tư 02 và 09 của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có hiệu lực. Thông tư 02 và 09 theo sát chuẩn mực quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, các vụ án lớn về ngân hàng và việc xử lý các ngân hàng yếu kém như: VNCB, OceanBank, từ đó nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng lên. Ngoài ra, hoạt động của các DN và các hộ sản xuất - kinh doanh chưa hồi phục hoàn toàn. Số giải thể, ngưng hoạt động vẫn lớn, họ vay ngân hàng không có khả năng trả nợ làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên thời gian qua. 

Cái khó trong xử lý nợ xấu được cho là khâu phát mãi tài sản đảm bảo. Vậy phía NHNN TP. HCM đã có kiến nghị gì để tháo gỡ vấn đề này?

NHNN Chi nhánh TP. HCM đã có kiến nghị lên UBND Thành phố để tác động lên cơ quan tòa án, viện kiểm soát, thi hành án đẩy nhanh tiến độ trong các vụ việc phát mãi tài sản. Đồng thời, chúng tôi cũng đã có kiến nghị lên Thống đốc NHNN và Thống đốc cũng đã có động thái tích cực, đó là ký quy chế phối hợp với Bộ Tư pháp, tòa án và các bộ, ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo, hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu.

Trong quy chế phối hợp cũng đã ghi rõ trách nhiệm của từng cơ quan nhằm hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian của quy trình phát mãi tài sản đảm bảo… NHNN TP. HCM đang thống kê số liệu về các vụ việc phát mãi tài sản để so sánh. 

Tài sản đảm bảo hiện chủ yếu là bất động sản. Phải chăng việc các ngân hàng thương mại chạy đua bảo lãnh dự án cũng được xem là một cách để “nuôi” con nợ, xử lý nợ xấu, thu hồi nợ?

Hầu như tất cả các dự án bất động sản đều có vay vốn ngân hàng thương mại. Vì thế, khi các dự án có vay vốn ngân hàng triển khai khi bán hoặc cho thuê mua nhà sẽ đồng thời nhờ ngân hàng bảo lãnh căn hộ hình thành trong tương lai.

Qua bảo lãnh, nếu các chủ đầu tư chậm tiến độ hoặc chậm triển khai dự án thì ngân hàng thương mại sẽ trả tiền cho người mua nhà, nhằm mục tiêu bảo vệ người mua nhà, thay vì bị chủ đầu tư không giao nhà, chậm như trước.

Bảo lãnh dự án được xem là một giải pháp để giúp các chủ đầu tư có điều kiện trong việc triển khai và tiếp tục hoàn thành dự án, nhưng cũng chính là cách để ngân hàng thương mại thu hồi nợ đối với khoản vay trước đó, hay nói cách khác là “nuôi” nợ để thu hồi nợ. Nhưng chắc chắn, các ngân hàng thương mại chỉ “nuôi” những con nợ tốt, nhằm kiểm soát được rủi ro nợ xấu tăng. 

Có nghĩa là tất cả các ngân hàng thương mại đều được bảo lãnh các dự án bất động sản, thưa ông?

Hiện NHNN không công bố danh sách cụ thể các ngân hàng thương mại nào được quyền bảo lãnh dự án mà là các ngân hàng nào được phép bảo lãnh thì sẽ được bảo lãnh hết.

Nói nôm nay, hiện các ngân hàng thương mại nào đang hoạt động tại Việt Nam đều có quyền bảo lãnh, trừ những ngân hàng thương mại đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt như: OCeanbank, GPBank. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các ngân hàng chỉ bảo lãnh cho những dự án đã cho vay trước đó, không cho vay những dự án đã được chủ đầu tư đem thế chấp ở một ngân hàng khác.

Tin liên quan
Tin khác