Ảnh minh họa. |
Rau quả kỳ vọng xuất khẩu trên 5 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, xuất khẩu rau quả đạt trên 2,9 tỷ USD, đứng thứ 3 trong danh sách các mặt hàng nông, lâm - thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao (sau gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản); đứng thứ 8/45 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Nếu những tháng còn lại của năm, xuất khẩu rau quả duy trì mức kim ngạch bình quân đã đạt được trong 7 tháng qua, thì kỳ vọng cả năm 2023 sẽ đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 59,2% (tăng 2 tỷ USD) so với năm 2022.
Cơ sở cho kỳ vọng này là tiềm năng thị trường xuất khẩu rộng mở, nhất là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Trong những tháng đầu năm, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 3 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, do đầu ra tốt hơn, nên thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt trên 650.000 ha; nhiều loại rau quả đang được trồng mới, chế biến, xuất khẩu có quy mô khá lớn như sầu riêng, vải, dứa…
Gạo xuất khẩu tăng cả lượng và giá
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng gạo xuất khẩu tăng do nhiều yếu tố. Về sản xuất, vụ đông xuân 2023 đạt kết quả tốt; vụ hè thu và thu đông cũng có triển vọng tăng khá nhờ năng suất và diện tích tăng. Mặt khác, lượng gạo sử dụng trong nước giảm đáng kể, do chất lượng gạo, do cơ cấu bữa ăn được cải thiện (mức sử dụng gạo bình quân đầu người 1 tháng giảm còn dưới 7,6 kg)…
Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Gạo xuất khẩu của Việt Nam được giá, một phần do cuộc xung đột Nga và Ukraine - 2 nước có lượng lương thực xuất khẩu lớn - tác động đến nguồn cung thị trường; Ấn Độ, nước có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới hiện nay, hạn chế xuất khẩu gạo (vì hạn hán, giá lương thực cao), song chủ yếu là do cơ cấu, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng gạo chất lượng cao, giá cao.
Từ kết quả đạt được những tháng đầu năm và dự báo thị trường những tháng cuối năm, có thể kỳ vọng, năm 2023, xuất khẩu gạo sẽ đạt kỷ lục mới, với khoảng 8,278 triệu tấn. Về giá, nếu giá xuất khẩu gạo bình quân những tháng cuối năm tương đương mức giá trong nửa đầu tháng 7 (543 USD/tấn), thì kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm sẽ đạt gần 4,5 tỷ USD; ở mức thấp hơn sẽ đạt trên 4,2 tỷ USD - đều là những kỷ lục mới.
Tuy nhiên, cần lưu ý 2 điểm trong xuất khẩu gạo. Một là, giá tăng là thời cơ để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, nhưng cần phân tích, dự báo xu hướng thị trường, nếu giá đang trên đà tăng, thì cần cân nhắc điều chỉnh tiến độ và thời điểm chốt hợp đồng để đạt được mức giá tốt. Hai là, cần cẩn trọng rà soát cân đối giữa lượng hàng tồn kho với tiến độ xuất khẩu, rà soát giữa xu hướng giá mua và giá xuất khẩu.
Cà phê tăng giá, tăng kim ngạch
Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,39 tỷ USD, tăng 66 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022.
Dù lượng xuất khẩu giảm 5,5% (giảm 60.500 tấn) so với cùng kỳ năm trước, song kim ngạch xuất khẩu cà phê hơn 7 tháng qua vẫn tăng, do giá xuất khẩu tăng 8,7% (2.444 USD/tấn so với 2.249,6 USD/tấn).
Nếu lượng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với 7 tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 4,2 tỷ USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Kỳ vọng này xuất phát từ một số căn cứ. Diện tích gieo trồng cà phê liên tục tăng trong thời gian qua (năm 2022 tăng 42,9% so với 2005). Sản lượng cà phê năm 2022 đạt 1,897 triệu tấn, tăng 7,5% so với 2020 và tăng 2,8% so với 2021. Lượng cà phê xuất khẩu tăng mạnh, nếu năm 2000 đạt 734.000 tấn, thì đến năm 2010 đã đạt 1,218 triệu tấn, năm 2015 đạt 1,341 triệu tấn, năm 2020 đạt 1,565 triệu tấn và năm 2022 đạt 1,778 triệu tấn.
Đến nay, mặt hàng cà phê Việt Nam đã có mặt ở 37 thị trường chủ yếu, trong đó có 25 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Đức, tiếp đến là Italia, Mỹ, Nhật Bản…).
Vấn đề đặt ra với ngành cà phê là cần chuyển tiếp tục dịch chuyển cơ cấu, nâng chất lượng cà phê, tăng chế biến để nâng cao chất lượng…