Tiêu dùng
Xuất khẩu gạo tăng cao về lượng lẫn trị giá
Trúc Giang - 04/08/2023 15:19
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Bộ Công thương cho biết, theo số ước của liên Bộ, tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới.

Cụ thể, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là khu vực thị trường châu Âu, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 84,5 nghìn tấn, tăng trưởng tốt hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Khu vực thị trường châu Phi ghi nhận sự tăng trưởng, xuất khẩu gạo đạt hơn 631 nghìn tấn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phước Thành IV, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh Công ty

Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022).

Về chủng loại gạo xuất khẩu, cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 324,1 nghìn tấn).

Về giá gạo xuất khẩu, quý I năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.

Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại, giá gạo tiếp tục theo đà tăng của giá gạo thế giới. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn vào tháng 5/2023.

Thị trường tiếp tục tăng khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Đánh giá chung kết quả xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho rằng, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang... nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước; thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gạo, trong đó gạo trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất (55,58%) tuy nhiên đều là tỷ lệ chủng loại gạo trắng phẩm cấp cao, (tỷ lệ trắng thường và thấp chỉ chiếm khoảng 1%).

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. 

Diễn biến tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu xu hướng có lợi cho nước xuất khẩu (sản lượng sản xuất lương thực giảm tại một số quốc gia và khu vực).

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn một số hạn chế trong thời gian qua. Đó là, thị trường nhập khẩu vẫn chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...

Tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường.

Bên cạnh đó, các thương nhân xuất khẩu gạo chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu...

Tin liên quan
Tin khác