Doanh nghiệp
Rò rỉ tin đồn Leflair thuộc sở hữu mới sau khi được chấp thuận đơn xin phá sản
P.V - 07/06/2021 08:00
Sàn giao dịch điện tử Leflair được cho là chuẩn bị quay lại thị trường Việt Nam thông qua thương vụ M&A bởi một nhà đầu tư mới - một công ty công nghệ tại Mỹ.

Đầu tháng 6, thị trường giao dịch thương mại điện tử dường như đang nóng cùng diễn biến của dịch Covid với thông tin thương hiệu và sàn giao dịch điện tử Leflair được cho là chuẩn bị quay lại thị trường Việt Nam với sự hậu thuẫn của một nhà đầu tư mới, được cho là một công ty công nghệ tại Mỹ, có 3 năm hoạt động tại Việt Nam và thành công trong nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với các công ty công nghệ vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Là trang thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu giảm giá với cam kết chính hãng 100%, thương hiệu Leflair gia nhập thị trường Việt Nam năm 2015, từng gây ấn tượng lớn trong giới “ecomerse” khi lựa chọn hoạt động theo mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace).

Cụ thể, để bảo đảm chất lượng hàng hóa từ nhà cung cấp, sàn thương mại điện tử Leflair áp dụng mô hình trữ hàng và đầu tư hai kho tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) với hệ thống kiểm tra quản lý chặt chẽ.

Tại Việt Nam, cái tên Leflair tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Sau khi ra mắt tại Việt Nam năm 2015, họ đã thu hút hơn 2.500 thương hiệu hợp tác và mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines. Trong 4 năm kinh doanh (2016 - 2019), sàn bán lẻ hàng hiệu này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Leflair, được biết đến như một thương hiệu do một doanh nghiệp startup mang vào thị trường Việt Nam thành công nhanh, có hình thức kinh doanh mạnh tay với Flash sale và thuận lợi trong việc gọi vốn, là thương hiệu từng làm mưa làm gió trên sàn thương mại điện tử tại thị trường Việt ngay từ những năm đầu gia nhập thị trường, trước khi doanh nghiệp này chính thức đệ đơn xin chấp thuận phá sản hồi tháng 5/2020.

Hiện chưa có bất cứ thông tin công bố chính thức từ chủ sở hữu mới củathương hiệu Leflair. Người tiêu dùng đã từng quen thuộc với Leflair tỏ ra ít nhiều háo hức, liệu “đứa con cưng một thời” của sàn giao dịch thương mại điện tử có thật sự trở lại hay không? Trong khi đó, các đối tác cũ lại đặt dấu hỏi và nghe ngóng cơ hội hợp tác trở lại với thương hiệu quen thuộc này với băn khoăn rằng: một thương hiệu từng thuộc một doanh nghiệp đã chính thức phá sản theo luật xuất hiện trở lại trên thị trường có hợp lệ?. Liệu các nhà cung cấp cũ từng là đối tác còn vướng mắc với tuyên bố phá sản đầy bất ngờ của Leflair có những cơ hội gì khi thương hiệu này quay trở lại?

Một thông tin về việc thương hiệu Leflair quay lại thị trường cho biết, doanh nghiệp từng sở hữu Leflair và kinh doanh trên nền tảng này đã chính thức mở thủ tục phá sản và được chấp thuận từ quý II/2020.

Thực tế, Leflair hiện đã được chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại và các tài sản vô hình đi kèm nhãn hiệu Leflair cho nhà đầu tư mới theo luật quốc tế. Thương vụ M&A này thực hiện giữa nhà đầu tư mới đến từ Mỹ và doanh nghiệp thực sự sở hữu thương hiệu Leflair là GoodVentures SEA Ltd, một tập đoàn có trụ sở chính tại Hongkong.

Được biết, chủ đầu tư mới của thương hiệu Leflair sẽ sớm ra mắt thị trường với quyết tâm tận dụng triệt để độ quen thuộc của thương hiệu, đưa Leflair trở lại thị trường, tập trung đầu tư và triển khai kinh doanh, kế hợp nền tảng, hệ thống vận hành mới với cốt lõi là chọn lọc các nhà cung cấp có các sản phẩm hàng hiệu giá tốt, có đảm bảo chính hãng đến với người dùng theo một cách vận hành mới chuyên nghiệp và rõ ràng hơn.

Leflair sẽ chỉ là cái tên quen thuộc, được mua lại và vận hành hoàn toàn bởi ông chủ mới và không chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ đã từng sử dụng thương hiệu Leflair – đơn vị vốn đã tuyên bố và được chấp thuận mở thủ tục phá sản.

- Đầu năm 2015: Startup của Leflair gọi vốn thành công 300.000 USD từ Apple Tree trong vòng gọi vốn không chính thức.
- Cuối năm 2015: Sàn thương mại điện tử Leflair chính thức ra mắt tại Việt Nam
- Tháng 12/2016: Doanh nghiệp sở hữu Leflair mở vòng gọi vốn tiền hạt giống A (Pre-series A) và thành công thu được 1 triệu USD đầu tư từ Caldera Pacific, trực tiếp rót vào nền tảng Leflair.
- Cuối 2017: Gọi vốn thành công 3 triệu USD từ nhà đầu tư Capital Management Group (Vòng gọi vốn Series A)
- 2018: Ở vòng gọi vốn Series B: Chính thức công bố vòng gọi vốn Series B từ 2 quỹ đầu tư GS Shop và Belt Road Capital Management có trị giá 7 triệu USD, đưa tổng giá trị các vòng gọi vốn của công ty từ lúc thành lập đến nay đạt gần 12 triệu USD.
- 2019: Mở rộng và ra mắt tại thị trường Philippines.
- Tháng 5/2020: Công ty cổ phần Leflair nộp đơn xin đề nghị chấp thuận phá sản.
- Tháng 3/2021: Thủ tục phá sản được mở, xác nhận bởi giấy chấp thuận đề nghị phá sản của toà án.
Tin liên quan
Tin khác