Chuyển động thị trường
Rộng cửa cho Việt kiều kinh doanh bất động sản
Bích Ngọc - 25/01/2024 08:15
Việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong từ năm 2025 sẽ tạo điều kiện rộng mở hơn cho Việt kiều sở hữu và kinh doanh bất động sản.
Với những quy định mới về đất đai, thị trường bất động sản kỳ vọng thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Việt kiều   Ảnh: Lê Toàn

Những quy định của các luật liên quan đã được thông qua về đất đai, nhà ở, bất động sản tạo cách tiếp cận thống nhất, đồng bộ để bảo đảm người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam có quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh bất động sản như công dân trong nước. Điều này cho thấy, người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời của đất nước Việt Nam.

Luật Đất đai mới quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai, chứ không chỉ có quyền đối với đất ở như công dân Việt Nam ở trong nước.

Với quy định mới, Việt kiều được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, song chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, thừa kế, tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, hoặc chỉ nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Quy định này dẫn tới hạn chế về quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế đất ở ngoài dự án phát triển nhà ở, quyền xây dựng và sở hữu nhà ở trên đất ở ngoài dự án phát triển nhà ở.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, với những quy định mới, Việt kiều dễ dàng sở hữu bất động sản trong nước hơn.

“Trước đây, mặc dù quy định cho phép Việt kiều mua bất động sản tại Việt Nam, nhưng nhiều người phải ủy quyền cho người thân làm chủ sở hữu tài sản. Vì lo ngại thủ tục, quy định phức tạp, nhiều Việt kiều ngần ngại khi mua bất động sản trong nước”, ông Hậu nói.

Việc sửa đổi tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản. Khi mua nhà và có các quyền như công dân trong nước, người Việt định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam sẽ chuyển tiền về để đầu tư, mua nhà tại Việt Nam. “Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có nhu cầu rất lớn từ kiều bào về nhà ở cao cấp”, ông Hậu nhận định.

Hơn 19 tỷ USD kiều hối đã chảy vào Việt Nam trong năm 2023. Con số này tương đương với năm 2022. Dự báo năm 2024, kiều hối sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Từ năm 2012 đến nay, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt bình quân trên 10 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 1/4 được đổ vào bất động sản.

Trong khi đó, ông Mai Hải, chuyên viên môi giới bất động sản cho người nước ngoài cho biết, trong thị trường nhà đất, đất nền là phân khúc vững chắc, bền vững, thu hút nhiều kiều

hối nhất.

“Nhà gắn liền với đất có giá trị tích lũy rất lớn, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng, nên các sản phẩm bất động sản như đất nền, nhà liền kề, nhà phố thương mại hấp dẫn nhất với Việt kiều, do nguồn tài chính dồi dào”, ông Hải nói.

Thị trường đông dân và lợi nhuận cao được đánh giá là hấp dẫn để kiều hối đổ vào bất động sản Việt Nam. “Tỷ lệ Việt kiều mua nhà ở Việt Nam ngày càng tăng. Lợi nhuận cho thuê ở Việt Nam cũng khá hấp dẫn, ở mức 5 - 7%, cao hơn các thị trường phát triển như Australia hay Mỹ”, ông Hải cho biết.

Theo Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, thời gian tới, lượng kiều hối sẽ dồi dào do cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gia tăng cả về số lượng người lẫn địa bàn sinh sống.

Năm 2004, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài. Đến nay, con số này tăng gấp ba, lên khoảng 7 triệu người, sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khoảng 80% Việt kiều sống và làm việc tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Pháp và hơn nửa triệu người làm việc thông qua các chương trình xuất khẩu lao động hoặc du học.

Tin liên quan
Tin khác