Bất chấp dịch bệnh, ngành gỗ được dự báo phát triển mạnh trong năm nay Ảnh: Đức Thanh |
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ lội ngược dòng ngoạn mục vào nửa cuối năm, đạt trên 12,6 tỷ USD, nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.
Chuyển mình mạnh mẽ
Trong 2 thập kỷ qua, xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, từ 200 triệu USD (năm 2000), lên 12,6 tỷ USD (năm 2020), tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Sản phẩm gỗ và lâm sản giữ vững uy tín, mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong tổng khối lượng xuất khẩu, các loại đồ gỗ chiếm gần 70%, còn lại trên 30% là các sản phẩm thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, thể hiện năng lực chế biến gỗ cùng khả năng xuất khẩu đồ gỗ - điều luôn kỳ vọng ở xuất khẩu của Việt Nam, đang chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường xuất khẩu gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ. Điều này minh chứng độ tinh xảo cùng với việc đảm bảo các chuẩn mực quốc tế của đồ gỗ Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Điều ấn tượng là gỗ từ cây cao su hết “đát”, thuộc nhóm VII, tỷ trọng nhẹ, lực chống kém, nhanh bị mối mọt, trước kia ít được quan tâm, thì nay đã được xử lý bằng công nghệ, chế biến khoảng 4,5 - 5 triệu m3, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và là một trong 3 mặt hàng xuất khẩu chính của ngành cao su.
Một trong những điểm nhấn tạo sự thăng hoa của xuất khẩu gỗ là số lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Hiện cả nước có trên 5.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, thu hút hàng triệu lao động. Một số doanh nghiệp đã chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm đơn lẻ sang xuất khẩu không gian nội thất, tuy chi phí đầu tư cao, nhưng giá trị gia tăng lớn.
Ngành gỗ cũng thu hút đông đảo doanh nghiệp FDI với những công xưởng lớn, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, thu hút nhân lực trình độ cao. Trong kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ, các doanh nghiệp FDI chiếm gần 70% và là nhân tố quan trọng tạo nên sắc thái mới của ngành.
Kiểm soát lẩn tránh thuế triệt để
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang mang lại tăng trưởng cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Theo đó, ngành gỗ được hưởng lợi về ưu đãi thuế.
Với các quy chế liên quan đến gỗ nguyên liệu, Việt Nam có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu hợp chuẩn EU từ quốc gia thứ ba để chế tác thành đồ gỗ. Khi xuất khẩu sang EU chẳng những không bị tầm soát về nguồn gốc, mà còn được hưởng ưu đãi từ EVFTA, mang lại hat-trick cơ may khi vừa hiệu quả, vừa giải “cơn khát” về nguyên liệu, vừa yên tâm về xuất xứ.
Có thể nói, những thành quả đạt được trong năm 2020, từ việc duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao, giữ được sự ổn định trong sản xuất và xuất khẩu, tìm kiếm những sản phẩm mới để chinh phục các thị trường lớn như Mỹ, nhanh chóng tiếp cận với khách hàng quốc tế nhờ công nghệ kinh doanh trực tuyến, đáp ứng với xu hướng tiêu dùng kiểu mới thời dịch là liều vắc-xin quan trọng cho ngành gỗ để duy trì phát triển trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2021, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu khá cao, khoảng 14 tỷ USD. Chúng ta lạc quan bởi thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới rất lớn, lên tới 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm, trong đó 150 tỷ USD là giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm trên 6% thị phần toàn cầu, nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng phát triển.
Thực tế, ngay từ thời điểm cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp gỗ đã đàm phán được những đơn hàng lớn, giá trị cao cho năm 2021. Đơn cử, Gỗ Đức Thành đã nhận được nhiều đơn hàng với tổng giá trị khoảng 3,7 triệu USD, ước đạt 25% kế hoạch cả năm 2021. Đơn vị này cũng đã đàm phán thành công hợp đồng đầu tiên, cung cấp các loại bàn ghế trẻ em cho một khách hàng lớn ở Mỹ, trị giá trên 300.000 USD. Nếu lô hàng đạt yêu cầu, đơn vị này sẽ ký được hợp đồng tiếp theo lớn gấp 10 lần.
Mặc dù đang có thuận lợi để vào thị trường Mỹ, EU và nhiều quốc gia khó tính khác, song Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đó là cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt. Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường ngành gỗ xuất khẩu lớn nhất đều “giơ thẻ” (điều tra chống lẩn tránh thuế) với gỗ Việt. Đây là điều ngành gỗ cần phải lưu ý và kiểm soát triệt để.
Về vấn đề này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp đã vận động các doanh nghiệp cùng giám sát, phát hiện chống lẩn tránh thuế. Hiện, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với EU. Hiệp định này có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Cùng với đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp.
“Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối không tiếp tay cho hành vi trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng thuế suất 0%; phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc vấn đề này, bởi nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm phần trăm”, ông Điển nhấn mạnh.